Phiên họp sáng ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong báo cáo dự thảo nghị quyết mới được gửi tới, diện tích đất thu hồi cho Cảng hàng không sân bay Long Thành là 5399,35ha. Tổng mức đầu tư là 22.938 tỉ đồng. 2 con số này đều nhỏ hơn so với báo cáo ban đầu trình Quốc hội. Cụ thể, diện tích giải phóng mặt bằng đã giảm đi 185,79 ha, tổng mức đầu tư giảm 111 tỷ đồng.
“Tôi đánh giá cao tinh thần thẩm tra rất chi tiết của Ủy ban kinh tế Quốc hội”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét.
Về nguồn vốn để đầu tư cho dự án, theo nghị quyết 26 Quốc hội thì nguồn vốn để thực hiện, bố trí cho dự án giải phóng mặt bằng chỉ là 5.000 tỷ đông. Như vậy, dự án còn thiếu gần 18.000 tỷ đồng để thực hiện.
2 phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt được dự án đưa ra là huy động từ nguồn ngân sách dành cho các dự án trọng điểm quốc gia hoặc huy động từ nguồn ngân sách dự phòng.
Đại biểu Ngân đánh giá cao phương án sử dụng nguồn ngân sách dành cho các dự án trọng điểm quốc gia bởi tính khả thi cao hơn.
“Trước đó, Quốc hội đã bấm thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công, trong đó có bố trí 80.000 tỉ cho các dự án trọng điểm Quốc gia trong kế hoạch 2016 - 2020. 55.000 tỉ đồng trong số này đã chi cho cao tốc Bắc Nam phía đông, còn lại chúng ta có thể sử dụng vào đây. Nó cũng thể hiện sự cấp bách, có thể giải ngân được ngay.
Trong khi đó, nếu chúng ta chọn nguồn từ trích dự phòng, sẽ rất chậm. Ngân sách dự phòng là chung, trong đó chia nhỏ ra là dự phòng của từng khoản mục, từng ngành, từng bộ, từng địa phương, nên không lấy được đâu mà phải giải trình lý do cụ thể, kế hoạch chi tiết mới có thể huy động được”, đại biểu Ngân đánh giá.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu lo ngại, đó là nguy cơ lấn chiếm đất đã được thu hồi. Tại nghị quyết 94 ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua làm long thành có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, chỉ sử dụng 1165 ha đất. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiến hành thu hồi trên 5.000 ha đất. Câu hỏi đặ ra là hơn 4.000 ha, trong đó 1.000 ha đất Quốc phòng sẽ được dùng để làm gì trong giai đoạn này?
“Để tránh việc tái lấn chiếm đất mà chúng ta đã thu hồi, nên giao đất về cho địa phương Đồng Nai để khai thác. Nên ưu tiên cho hộ dân đã nhận tiền đền bù thu hồi đất nhưng muốn thuê lại mặt bằng để khai thác. Đây là nguồn lực bổ sung có thể huy động ngay lập tức, hỗ trợ tài chính cho việc triển khai dự án", đại biểu Ngân đánh giá.