Sáng 3/1, hãng thông tấn xã Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, Phó Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây Phùng Tân Trụ nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hiện đang tiếp nhận điều tra.
Bên cạnh đó, hôm qua 2/1, chỉ trong vòng một ngày, có đến bốn tỉnh thành tại Trung Quốc điều chỉnh lãnh đạo cấp cao.
Trong đó, ông Trương Quốc Thanh - với biệt danh "Thiếu soái binh công", là nhân vật đặc biệt thu hút sự chú ý của giới truyền thông Trung Quốc.
Trương Quốc Thanh vốn công tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và bước vào chính trường Trung Quốc từ vị trí Phó Bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2013.
Sau đó, ông này lần lượt giữ các chức vụ Bí thư tổ đảng, Phó Thị trưởng, Thị trưởng, Phó Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bí thư tổ đảng, Phó Thị trưởng, Phó Bí thư thành ủy Thiên Tân và đến nay là Quyền Thị trưởng Thiên Tân.
Trùng Khánh và Thiên Tân đều được đánh giá là trọng địa chính trị tại Trung Quốc và theo giới chuyên gia, việc bổ nhiệm Trương Quốc Thanh vào các vị trí quan trọng tại hai địa phương này thực tế mang hàm ý sâu xa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Phùng Tân Trụ - "hổ lớn" tại Trung Quốc vừa bị bắt sáng nay. Ảnh: CCDI
Giới kỹ trị "lên ngôi"
Giới phân tích nhận định, những "cú sốc lớn" từ trường hợp tham nhũng của các cựu Bí thư Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, Hoàng Hưng Quốc hay vụ nổ kho chứa hàng chấn động tại Thiên Tân năm 2015 đã khiến chính trường Thiên Tân, Trùng Khánh trở nên phức tạp.
Do đó, việc Trương Quốc Thanh được điều chuyển từ Trùng Khánh về Thiên Tân dường như có mối liên hệ chặt chẽ tới chính sách định hình thành phố trong tương lai đối với Thiên Tân của Trung Nam Hải. Hơn nữa, Thiên Tân hiện này còn nằm trong nhánh kinh tế quan trọng trong kế hoạch xây dựng khu kinh tế mới Hùng An do ông Tập đề xuất hồi năm ngoái.
Khu kinh tế mới Hùng An thuộc phạm vi ba tỉnh thành gồm Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Chính sách này được báo chí Trung Quốc gọi là "đại kế nghìn năm".
Thực tế, xu thế các chuyên gia kỹ thuật trở thành lãnh đạo tỉnh, thành phố không còn là trường hợp cá biệt tại Trung Quốc.
Ngoài Trương Quốc Thanh, đội ngũ kỹ trị hiện nay còn có Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Trương Khánh Vỹ, Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh Trần Cầu Phát, Chủ tịch tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thụy, Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Hứa Đạt Triết và Chủ tịch tỉnh Chiết Giang Viên Gia Quân.
Các ông này đều xuất thân từ lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Do các chuyên gia kỹ thuật không chỉ làm chủ công nghệ kỹ thuật hiện đại mà còn liên quan đến sự nghiệp an ninh và chiến lược quốc gia nên đây cũng là nguyên nhân khiến giới này nhận được sự đánh giá cao của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Đặc biệt, kể từ năm 2015, khi tầng lớp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đề xuất khái niệm "quân dân hợp nhất" và Ủy ban phát triển hợp nhất quân sự dân sự trung ương do ông Tập lãnh đạo được thành lập vào tháng 1/2017, Bắc Kinh đã mạnh mẽ thúc đẩy, đưa sự hợp nhất này trở thành bước đột phá trong cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Nói cách khác, Bắc Kinh muốn tận dụng vốn kinh nghiệm dày dặn của các quan chức xuất thân từ ngành công nghiệp quốc phòng, vũ trụ hàng không để thúc đẩy cải cách doanh nghiệp quốc danh tại các địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho cải cách cấp quốc gia.
Thực tế, chính sách bổ nhiệm chuyên gia kỹ thuật vào vị trí quan trọng tại các địa phương có tiền lệ từ thời Đặng Tiểu Bình. Năm 1980, Đặng đề xuất khái niệm "cán bộ tứ hóa", ý chỉ cách mạng hóa, trẻ hóa, trí thức hóa, chuyên nghiệp hóa, nhằm đưa lãnh đạo mới thay thế những cán bộ cũ mang nặng tư tưởng trọng nông.
Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh bổ nhiệm đội ngũ tinh anh kỹ thuật đảm nhiệm những trọng trách này chính là để thay đổi phong thái chính trị trên chính trường Trung Quốc.
Đội ngũ lãnh đạo kỹ trị được đánh giá là những người nhạy bén với tình hình thực tế, đưa ra các quyết sách với tỷ lệ chính xác cao, không nói suông và đặc biệt không tham gia bất cứ nhóm lợi ích chính trị nào.