Giám đốc một Sàn giao dịch bất động sản (đề nghị không nêu tên) kể lại câu chuyện anh mất một khách hàng VIP của công ty mình khi bị chính đơn vị phát triển dự án mà công ty anh tham gia phân phối “qua mặt” khi sẵn sàng chiết khấu cao hơn cho vị khách hàng.
Môi giới bất động sản dùng đủ "chiêu trò" để đạt mục đích bán được hàng, chạy doanh số. Ảnh minh họa
Theo câu chuyện anh kể giá lô góc dự án E. ở Điện Bàn, Quảng Nam mà đơn vị phát triển là Công ty W. đưa ra là 3,2 tỷ sau khi đã trừ chiết khấu. Do đây là khách hàng VIP của công ty nên sau một hồi thương lượng, lãnh đạo đơn vị phát triển dự án đồng ý giảm thêm 300 triệu đồng – chốt giá là 2,9 tỷ đồng cho lô đất nói trên. Đến hẹn ký hợp đồng, khách hàng lên nhưng không ký nói cảm thấy mình bị “hớ”.
“Mấy hôm sau khi nhân viên công ty gọi điện lại cho khách để hỏi thăm tình hình thì bị mắng té tát với lý do vì sao ông là khách hàng VIP của công ty mà vẫn bị kê giá. Nói xong ông tắt máy luôn" - theo vị Giám đốc kể.
"Hỏi ra mới biết là khi khách hàng vừa về tới nhà, nhân viên của công ty phát triển dự án gọi điện nói lãnh đạo đồng ý sẽ giảm thêm cho khách 200 triệu nữa – chốt giá là 2,7 tỷ. Tôi cũng không hiểu sao công ty W. lại hành xử như vậy, khiến chúng tôi vưa mất khách hàng, vừa mất uy tín vì bị cho là kê giá” - anh chua chát.
Một sàn giao dịch khác cũng cho biết đã bỏ nhiều tiền chạy quảng cáo mới chốt được một khách mua đất nền của dự án tại đường Nguyễn Sinh Sắc (Đà Nẵng) nhưng cuối cùng lại hủy lịch. Tuy nhiên, đến lễ mở bán, sàn giao dịch nói trên không ký được hợp đồng với khách vì bị đơn vị phát triển dự án “chơi đểu”.
“Khách hàng của chúng tôi trong danh sách ưu tiên mua hàng là ưu tiên 1, khách hàng của đơn vị phát triển dự án là ưu tiên 2. Trong ngày mở bán, đơn vị phát triển dự án giấu hợp đồng của lô đất, không cho ưu tiên 1 ký hợp đồng chuyển cọc, hết thời gian ưu tiên 1 họ đưa hợp đồng ra cho ưu tiên 2 – khách hàng của đơn vị phát triển dự án mua”, anh cho biết.
“Ngoài ra, cũng chính công ty này, lúc mở bán dự án, theo nguyên tắc công ty chúng tôi có cung cấp thông tin khách hàng mua cho bên đơn vị phát triển dự án và sau đó họ đã dùng số điện thoại mà chúng tôi cung cấp, gọi điện trực tiếp cho khách hàng để “qua mặt”, chào bán cho khách thêm 1 lô khác với chính sách ưu đãi hơn ” - anh nói thêm.
Môi giới bất động sản là một trong những nghề nóng hiện nay khi thu nhập từ hoa hồng khá lớn nếu bán thành công một bất động sản
Chia sẻ riêng với PV, một môi giới kỳ cựu tại Hòa Xuân còn kể câu chuyện về một khách hàng của mình, đến xem đất và đã cơ bản “chốt” 99% một lô đất tại Hòa Xuân. Trong câu chuyện bên lề khi chuẩn bị các thủ tục để ký hợp đồng, vị khách hàng này nói có quen chị M. – lãnh đạo một sàn giao dịch M. có câu slogan: Đối tác chiến lược lớn nhất của tập đoàn S.
“Khách hàng xin số điện thoại gọi cho chị M., cho biết mình chuẩn bị mua lô đất này thì chị M. nói đừng mua, chị không biết chúng tôi là ai, chị là Đối tác chiến lược lớn nhất của tập đoàn S. nên qua chị mà mua để được ưu đãi. Nghe nói vậy khách hàng bỏ đi luôn” - môi giới này cho biết.
Trong chính sàn giao dịch các sales cũng chơi “đòn bẩn” với nhau, nhiều môi giới đã phải dùng đến chiêu giảm giá, tự trích phần hoa hồng của mình để bớt cho khách nhằm lấy doanh số. Trong nghề môi giới hành động này được gọi là "cắt máu".
Với những lô đất có giá trị thấp thì không nói nhưng với bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng, phần hoa hồng cho mỗi sản phẩm có khi lên đến vài trăm triệu đồng nên khách hàng sẽ chọn ngay các sales chơi trò này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho rằng chiêu thức cạnh tranh kém lành mạnh trong các nhóm môi giới không chỉ là hiện tượng cục bộ, mà còn phản ánh một thực trạng gốc rễ của ngành do việc thiếu hụt các quy chuẩn về nghề và các chế tài cụ thể cho người hoạt động trong lĩnh vực môi giới.