2 năm trở lại đây, chứng khoán trở thành một "sân chơi" cực hot thu hút đông đảo rất nhiều nhà đầu tư mới. Gọi là "sân chơi" vậy thôi nhưng rõ ràng, một khi đã bước vào thị trường, bạn sẽ không thảnh thơi ngồi xơi nước mà sẽ phải thực sự hiểu được con số trên bảng điện tử để có cho mình những kế hoạch đầu tư phù hợp.
Để giải quyết điều này, ngoài tự học thì các nhà đầu tư F0 cũng thường tìm đến dân môi giới chứng khoán. Do vậy công việc này cũng trở nên cực hot khi số tài khoản đăng ký, các nhà đầu tư F0 tăng vọt. Ban đầu chỉ khoảng 2-5 triệu/tháng, nhưng làm lâu dài, con số 50 hay thậm chí 100 triệu/tháng cũng không phải chuyện "hoang tưởng".
Nhưng thực tế công việc này có nhiều "màu hồng" đến vậy?
Môi giới được ví như "sợi dây" nối nhà đầu tư với thị trường và công ty chứng khoán. Từ khi mở tài khoản chứng khoán, khách hàng đã có một môi giới hỗ trợ. Khách hàng có thể tự học đầu tư, hoặc nhờ thông qua hình thức môi giới. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư mới tham gia thị trường là F0 - những người chưa có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ có xu hướng tìm cho mình 1 nhà môi giới chứng khoán.
Với mỗi môi giới, nguồn thu chính là phần phí giao dịch của khách hàng được công ty chia lại. Cũng có nhiều nhà đầu tư "đi làm ngoài", nhận job tư vấn riêng thì nguồn thu này lại càng tăng cao.
Minh Nhật (sinh viên năm 2 ngành Tài chính, Hà Nội) quyết định theo đuổi tư vấn chứng khoán theo sự giới thiệu của người quen. Ban đầu khi mới đi làm được 3 tháng, mức lương của cậu bạn chỉ dao động từ 2-4 triệu. Nhưng sau 9 tháng, con số này đã lên đến 30 triệu.
10x cho hay thu nhập sẽ tăng dần theo sự chăm chỉ, nhanh nhạy và số năm kinh nghiệm trong nghề. Một đồng nghiệp của Minh Nhật đã nhanh chóng đạt được con số 100 triệu/tháng chỉ sau 1 năm đi làm trong nghề.
Thạch Thảo (25 tuổi) là Giám đốc kinh doanh của công ty chứng khoán lớn và cũng có 3 năm kinh nghiệm trong nghề. Cô chia sẻ: Một nhân sự môi giới chứng khoán đạt mức lương 100 triệu/tháng đã là câu chuyện không xa lạ.
Điểm đặc biệt nhất của nghề này là không phân biệt tuổi tác. Bên cạnh đó, dù cũng mang tính sales nhưng yếu tố ngoại hình chỉ chiếm một phần nhỏ, do tính chất công việc hầu như đều online.
"Nếu một bạn ra trường khoảng 1-2 năm thì trung bình lương có thể rơi vào khoảng 20-30 triệu/tháng, mức khá cao so với mặt bằng chung. Nếu bạn có tố chất và thực sự chăm chỉ, bạn hoàn toàn có thể đạt được 40-50 triệu đồng" - Thạch Thảo đánh giá về mức lương trong ngành này.
Thạch Thảo (25 tuổi) hiện là Giám đốc công ty chứng khoán lớn
Tất nhiên trên đời không hề có việc nhẹ lương cao. Làm môi giới chứng khoán thì bạn cũng sẽ chấp nhận mức lương của mình cũng sẽ dao động đi - xuống theo thị trường.
Minh Nhật cho hay thời gian đầu mới bước chân vào nghề sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất: "Thời điểm đó thường không có nhiều khách, do đó mọi người dễ nản và bỏ nghề. Bên cạnh đó, nếu mã cổ phiếu không ổn định thì việc thuyết phục khách mua mã cổ phiếu của bên mình cũng khó khăn hơn nhiều. Ảnh hưởng thu nhập theo thị trường lắm" - nam sinh 10x cho hay.
Khi làm chứng khoán, bản thân người môi giới phải chấp nhận đi theo thị trường. Thị trường khó khăn thì thu nhập cũng lao dốc. "Với chứng khoán và nhất là một người sale thì mình nghĩ không bao giờ ổn. Bởi công việc này không nói trước được sẽ ổn định hay chắc chắn năm sau sẽ có thu nhập cao/thấp hơn trước. Tuy nhiên mình tin mỗi giai đoạn thị trường sẽ khác nhau, bạn cần đi theo và tối ưu hoá thu nhập của mình".
Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường cũng khiến những "mặt tối" của nghề môi giới chứng khoán trở nên rõ ràng hơn. Do thu nhập chính gắn liền với giá trị giao dịch, liên quan đến tần suất mua - bán của khách hàng, không ít môi giới tìm mọi cách để khách hàng giao dịch thật nhiều.
Tính chất công việc liên quan đến tài chính của người khác, gắn liền với con số nên cũng rất áp lực đầu óc. Nhiều lần con sóng bị bỏ lơ khiến nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Khi trình độ của môi giới không đủ giỏi, không tư vấn đúng nhóm cổ phiếu đang tăng nóng, thì có không ít nhà đầu tư dùng lời lẽ mắng chửi thậm tệ, thậm chí còn... doạ đánh.
Điều này xảy đến phần nhiều với những nhà môi giới còn "non" kinh nghiệm trong nghề. Thạch Thảo từng có trải nghiệm nhớ đời khi tư vấn cho khách hàng mà không có kinh nghiệm, đồng thời không suy xét vào năng lực tài chính.
Cô nàng chia sẻ sự cố nhớ đời đó: "Lần đầu tư vấn cho khách, mình đi theo một anh cùng team chứ không thật sự hiểu về cổ phiếu ấy. Khi đó anh ấy nhắn rằng: 'Con này lên đấy, em cứ tư vấn cho khách nha'. Khi đó mới ra trường được 1 tháng nên mình cũng khuyên khách mua, nhưng ngờ đâu lúc sau thị trường sập, cổ phiếu giảm mạnh, đặc biệt là con mình báo khách.
Đó là lần đầu tiên mình báo khách nữa nên cảm thấy rất tội lỗi. Mình cũng rút ra kinh nghiệm khi tư vấn chứng khoán phải thực sự hiểu về thứ đang tư vấn. Bên cạnh đó cũng phải có tâm. Vì làm công việc dính đến tiền, nếu bản thân mà đặt lợi nhuận trước mắt của mình lên trên khách thì sẽ không bền lâu được. Làm không có tâm thì lâu dài bị thị trường thanh lọc, sẽ không trụ vững lâu trong công việc".
Minh Nhật là môi giới chứng khoán trẻ tuổi, mới học năm 2 nên cậu bạn cũng đành phải... giấu tuổi thật. Bởi các khách hàng giao dịch của Nhật đều là người lớn, trên cậu 5-10 tuổi nên việc giấu tuổi sẽ phần nào tạo nên độ "uy tín" trước khách.
Nhật chia sẻ về sự cố này: "Khách hàng chủ yếu hơn mình tận chục tuổi. Do đó khi giao tiếp, mình thường phải nói dối tuổi khá nhiều, tăng số năm kinh nghiệm trong nghề lên để tiện làm việc với họ. Trước khi giao dịch, mình phải xem khách hàng đó bao nhiêu tuổi để tiện ứng xử. Bề ngoài của mình khá đứng tuổi, trong lúc giao dịch không cần CMND nên mọi việc diễn ra khá trót lọt".
Dù mang tiếng làm việc 6 tiếng/ngày (từ 9h sáng đến 3h chiều theo giờ giao dịch của Sở), tuy nhiên việc các nhà môi giới chứng khoán phải tư vấn liên tục là chuyện thường xuyên xảy ra. Là nghề dịch vụ nên nhiều khi họ cũng hi sinh thời gian riêng cho công việc này.
Cô bạn T.D (22 tuổi, ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng tập làm môi giới chứng khoán được 1 năm. Dù thu nhập khá cao nhưng cũng phải từ bỏ vì thiếu ngủ, không thể dành nhiều thời gian cho bạn bè và gia đình.
Đây cũng là tình cảnh chung của sinh viên khi đi theo công việc này khi còn ngồi trên giảng đường. Thanh Nhàn (22 tuổi, ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế) cũng từ bỏ nghề môi giới chứng khoán để không ảnh hưởng chuyện học.
"Mình nghỉ công việc này vì bị ảnh hưởng thời gian học trên trường. Thời gian học bị trùng thời gian diễn ra các phiên giao dịch chứng khoán. Khi đi học, mình không thể hỗ trợ khách hàng khi họ cần trợ giúp về kỹ thuật cũng như chuyên môn kịp thời. Mình thấy thật khó để vừa có mức lương cao trong môi giới chứng khoán mà vẫn hoàn thành tốt việc học trên trường" - Nữ sinh Gen Z cho hay.
Dù đạt được mức thu nhập cao song Thanh Nhàn vẫn từ bỏ làm môi giới chứng khoán vì không muốn ảnh hưởng chuyện học
Hiện nay, không có trường lớp nào đào tạo hẳn về nghề môi giới chứng khoán. Cũng có không ít người học trái ngành đi làm môi giới. Tuy nhiên nếu bạn có nền tảng học Kinh tế, tài chính thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi được học về Kinh tế, có được kiến thức nền ban đầu.
Sau 3 năm đi làm môi giới chứng khoán, cô bạn Thạch Thảo nhận định kiến thức sách vở khi đi thực tế chỉ áp dụng được mức 50:50. "Khi đi làm, mình sẽ thấy từng học đoạn này. Cũng có những chỗ không nhớ được nên phải về xem lại. Việc học đại học sẽ giúp bạn có cái nền để đỡ mông lung hơn".
Thạch Thảo chọn vẫn học lên Thạc sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng (Học viện Ngân hàng). Bởi lẽ việc học lên này giúp cho Thảo tạo dựng các mối quan hệ cấp cao khác. "Việc học lên Thạc sĩ giúp mình lớn nhất là có thêm các mối quan hệ bởi học cùng các anh chị đều từ cấp quản lý trở nên. Những công việc của mình hay sự khó khăn sau này, nếu có thì cũng sẽ có thêm mối quan hệ giúp đỡ".
Với 2 năm kinh nghiệm làm môi giới chứng khoán, anh chàng Thành Đô (24 tuổi) kiếm được mức lương trung bình 70 triệu/tháng sau 2 năm đi làm. Thành Đô cũng nhận định kiến thức học trên trường chỉ là nền tảng khi bạn muốn làm việc trong lĩnh vực môi giới chứng khoán.
"Mình học khoa Quản lý Kinh doanh. Kiến thức ở trên trường thì giúp mình trong cách đào tạo nhân viên, hiểu biết luật pháp Việt Nam, có được tầm nhìn của người kinh doanh. Còn đối với chứng khoán thì không chỉ có kiến thức trên trường mà bạn còn cần tìm hiểu thêm về kiến thức bên ngoài, có kinh nghiệm thực chiến.
Sinh viên học chuyên ngành chứng khoán trên trường chỉ là một chuyện. Trường đại học mở lớp dạy chứng khoán nhưng đó chỉ là cái cơ bản, để mình có kiến thức nền về chứng khoán. Cũng giống như với tay đua, bước đầu tiên bạn cần biết đi xe, học các chức năng của xe, điều kiện vận hành để xe nổ" - anh chàng cho hay.