Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú.
Do đó, nếu như Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể và Chính phủ đứng ra hỗ trợ ngân sách cho nhóm đối tượng này sẽ rất khó khăn như vậy.
"Chúng tôi đã làm việc với TP. HCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do đều nhận được sự ủng hộ và hôm nay, Chính phủ đã thống nhất có hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do" - Bộ trưởng nói. "Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng".
Người đứng đầu ngành LĐTB&XH lấy ví dụ: "Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ của TP. HCM hôm qua cũng xác định một số nhóm người lao động làm công việc lái xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo... hay ở Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho nhóm hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng".
Cụ thể, về hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã chỉ rõ:
Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.