Thiếu khả năng làm chủ công nghệ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khi mở rộng cạnh tranh sản xuất ở các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Bằng
Quá trình chuyển đổi này hiện diễn ra tương đối chậm chạp. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ và các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, chưa tạo ra được sự lan tỏa và tận dụng tối đa hiệu quả của FDI đầu tư tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp trong nước quá hạn chế, chưa đủ sức để tiếp cận và tiếp nhận sự lan tỏa với năng lực hiện có, trong khi các chính sách hỗ trợ thúc đẩy từ phía Nhà nước chưa đủ mạnh, thiếu tính đồng bộ theo một kế hoạch tổng thể phát triển chung các ngành công nghiệp. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với bẫy thu nhập trung bình mà dường như một số nước ASEAN đã vướng do không chuyển sang được giai đoạn sáng tạo, làm chủ hoàn toàn công nghệ và sản xuất hàng hóa chất lượng cao như Hàn Quốc hay Đài Loan đã đạt được.
Theo Bộ Công Thương , quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn vừa qua chủ yếu do việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các cơ hội thị trường tạo ra khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chứ không phải do nội lực của các doanh nghiệp trong nước (các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện - điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam). Vấn đề này đã gây nên sự nhầm lẫn trong nhận thức của nhiều cơ quan có thẩm quyền khi cho rằng dường như Việt Nam không cần phải xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp mà quá trình công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn sẽ thành công. Nhận thức này cần sớm được thay đổi triệt để từ Trung ương tới địa phương trong thời gian tới để đổi mới tư duy nhằm xây dựng các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc gia theo chủ trương của Đảng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Tỷ trọng công nghệ cao trong các doanh nghiệp nhà nước ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức thấp và ngày càng giảm, trong khi tại các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ, trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.
Mặc dù công nghệ , thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới công nghệ , cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ . Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%). Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%). Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
“Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2-3 thế hệ . Tỷ lệ máy móc được điều khiển bằng máy tính thấp, làm giảm khả năng tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, ngành cơ khí chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án công nghiệp có độ phức tạp cao như nhà máy nhiệt điện, alumin, dầu khí, hóa chất, lọc hóa dầu…”, Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo các số liệu công bố, đáng chú ý, hiện kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore đã có những bước tiến lớn trong công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.
Trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam cần thay đổi định hướng phát triển rõ rệt đối với khu vực kinh tế tư nhân. Thay vì chỉ tập trung vào gia công, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dịch vụ chất lượng cao. Còn nếu không có sự thay đổi chiến lược, Việt Nam sẽ mãi trở thành cứ điểm 'lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới.
Việt Nam cần chuyển dần từ gia công sang tham gia chuỗi giá trị cao hơn bằng cách tập trung vào các ngành chủ lực như công nghệ cao, sáng tạo và dịch vụ chuyên sâu. Đây là cách mà các nước như Hàn Quốc và Singapore đã thành công khi khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, giảm thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với tập đoàn nước ngoài.