“Để đảm bảo mức tăng trưởng năng lượng từ nay đến năm 2030 như vậy, chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD, trung bình mỗi năm chúng ta cần 15 tỷ USD”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tính toán.
Ngành năng lượng Việt Nam xoay chuyển rất nhanh
Phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên trực tuyến toàn quốc ngày 8/5, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã báo cáo những nội dung chính của Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình báo cáo tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Đảng ta nhấn mạnh: Phát triển năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước kết hợp với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngoài một cách hợp lý; thiết lập an ninh năng lượng quốc gia trong điều kiện mở, thực hiện liên kết có hiệu quả trong khu vực và toàn cầu, gắn với giữ vững an ninh quốc gia và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nhìn lại sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam thời gian qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng 10 năm trước chúng ta có những đánh giá khá lạc quan.
“Đơn cử trong vấn đề khai thác dầu khí, có lúc chúng ta đã cho khai thác rất mạnh, có lúc nộp ngân sách nhà nước của ngành dầu khí lên đến khoảng 30%. Thời điểm đó rất thuận lợi cho ngành dầu khí, đóng góp của ngành cũng là rất lớn. Nhưng mọi chuyện cũng xoay chuyển rất nhanh, đến ngày nay, đóng góp của dầu khí vào ngân sách chỉ còn khoảng 7%”, ông Bình chia sẻ.
Nhấn mạnh trong vòng 10 năm trở lại đây ngành năng lượng có biến động rất lớn, ông Bình cho rằng nếu chúng ta không có sự chủ động trong việc kết hợp sử dụng nguồn tài nguyên trong nước và tài nguyên từ nước ngoài qua hoạt động xuất nhập khẩu, qua quá trình hợp tác quốc tế về năng lượng thì làm sao chúng ta đảm bảo an ninh năng lượng.
“Quan điểm này của đảng đến nay còn nguyên giá trị và nó sẽ là xu thế phát triển trong chiến lược phát triển năng lượng của chúng ta”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề cập đến một quan điểm khác “rất đổi mới”. Đó là: Từng bước hình thành thị trường năng lượng, đa dạng hoá sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thoả mãn tốt nhất lợi ích người tiêu dùng. Thúc đẩy nhanh việc xoá bao cấp, xoá độc quyền, tiến đến xoá bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng.
Hướng đến mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao với thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 – 8.000 USD/ người, Việt Nam cần tăng trưởng trung bình từ nay đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 đến 7%/ năm. Muốn đạt mức tăng trưởng như vậy, theo quan điểm của Đảng cũng như thực tiễn cuộc sống, năng lượng phải đi trước một bước. Để năng lượng đi trước 1 bước, ngành năng lượng cần phải tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/ năm.
“Để đảm bảo mức tăng trưởng năng lượng từ nay đến năm 2030 như vậy, chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD, trung bình mỗi năm chúng ta cần 15 tỷ USD. Đối với ngân sách và đất nước ta, đây là con số rất lớn”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tính toán.
Với nhu cầu đầu tư vào năng lượng như vậy, chúng ta cần một chiếc áo mới – một cơ chế chính sách mới thì chúng ta mới đáp ứng được vấn đề này.
Điện mặt trời thu hút hàng trăm nhà đầu tư tư nhân tham gia. |
Hút tư nhân, nhưng vẫn cần vai trò khu vực nhà nước
Cơ chế mới ấy đã được thể hiện trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Nghị quyết này đã đề ra mục tiêu đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững đi trước một bước, môi trường sinh thái bảo đảm quốc phòng an ninh và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước .
Đặc biệt, Nghị quyết quán triệt định hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi điều kiện độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng quan điểm này là giúp chúng ta xây dựng các chính sách có ý nghĩa thiết thực và có ý nghĩa quyết định để phát triển ngành năng lượng của chúng ta trong giai đoạn tới.
Đề cập sự kết hợp giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong ngành năng lượng, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: Không có thành phần kinh tế tư nhân không thể phát triển ngành năng lượng. Thế nhưng kinh tế tư nhân phải chạy theo lợi nhuận, trong khi chúng ta còn phải đảm bảo thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong từng khâu trong từng chính sách, chúng ta còn phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cho nên vẫn phải giữ vai trò của kinh tế nhà nước và các vai trò của doanh nghiệp.
Nhưng Đảng ta xác định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt và điều tiết thị trường, còn doanh nghiệp nhà nước là then chốt vì doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực then chốt, những khâu then chốt chứ không phải doanh nghiệp nhà nước làm tất cả. Cho nên khâu nào mà đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo những vấn đề về an ninh năng lượng quốc gia thì khâu đó nhà nước phải làm. Còn những phần việc khác chúng ta có thể giao cho tư nhân làm, khuyến khích tư nhân tham gia.
“Cho nên trong phát triển ngành điện chúng ta phải thấm nhuần quan điểm này, không có tư nhân không thể phát triển ngành điện nhanh được, không có nhà nước thì không thể thực hiện được an ninh năng lượng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta phải hết phối hợp hết sức nhuần nhuyễn mối quan hệ này trong phát triển ngành điện”, ông Nguyễn Văn Bình bày tỏ.
Ngoài ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng phải phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng, trong đó nhấn mạnh là ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để, hiệu quả các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió…
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xóa bỏ nhiệt điện than, bởi vì ngay cả trên thế giới, tỷ trọng điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện quốc gia. Vì vậy, duy trì nhiệt điện than với một tỷ lệ hợp lý, đảm bảo công nghệ xử lý môi trường là điều cần quán triệt. Nghị quyết 55 đã nêu rất rõ là giảm dần điện than, và áp dụng các công nghệ phù hợp với môi trường nhưng giảm dần một cách hợp lý. Đồng thời, khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo để tạo nên sự đa dạng hóa về nguồn điện.
Hà Duy