Tại lễ kết biên bản ghi nhớ về việc nâng cao chất lượng quy định ngành thông qua hỗ trợ xây dựng Sàn giao dịch ngành hàng thịt heo trên địa bàn TP.HCM. vừa diễn ra, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở công thương TP.HCM dẫn số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết:
Trung bình mỗi một tuần, một hộ gia đình ở các đô thị lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội chi khoảng 1,1 triệu đồng để mua thực phẩm tươi sống. Nhu cầu này gấp ba lần so với các mặt hàng tiêu dùng nhanh hằng ngày.
Trong rổ hàng tiêu dùng thực phẩm tươi sống (10 mặt hàng) thịt heo xếp vị trí thứ hai, chiếm 14%.
Bên cạnh đó, theo số liệu Sở có được, trung bình giá heo hơi 45.000 đồng/kg, một ngày TP.HCM tiêu thụ heo trị giá khoảng 750 triệu USD/năm.
Một ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo . Toàn bộ 10.000 con heo được cung cấp từ 10 tỉnh thành lớn lân cận, trong đó Đồng Nai chiếm nhiều nhất gần một nửa lượng trên. Thịt heo được bán chủ yếu ở hai kênh gồm kênh truyền thống chiếm 87% thị phần và kênh hiện đại 13%.
Thương lái giữ vai trò quyết định chất lượng, giá thị trường
Theo ông Hòa, thời gian qua cho thấy tập quán tiêu dùng vẫn là tiêu thụ thịt heo nóng, người dân chưa có thói quen tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh. Hiện nay do vẫn kinh doanh theo kiểu truyền thống nên tính đồng bộ về phẩm cấp, quy cách, chất lượng chưa cao. Chủ yếu các cơ sở giết mổ vẫn là thủ công, chưa giết mổ công nghiệp.
Thứ hai là phương thức kinh doanh theo truyền thống là mua heo hơi, giết mổ heo mảnh thông qua thương lái các đầu mối tại các chợ. Và trên thị trường, dù là trung gian nhưng thương lái có vai trò quan trọng chi phối thị trường, quyết định giá cả.
Thứ ba là thông tin về thị trường heo thiếu, không minh bạch kể cả các cơ quan quản lí nhà nước cũng nắm chậm, nắm sau các báo cáo của các công ty chợ, các công ty chủ lực. Gần đây với đề án truy xuất nguồn gốc cơ quan quản lí cũng có được bộ cơ sở dữ liệu tương đối nhưng chưa nắm, cập nhật thông tin kịp thời giá cả.
Thứ tư là việc điều tiết quản lí thị trường định hướng chăn nuôi, tiêu dùng bị động. Phải “chạy theo” thị trường. Chưa có hoạch định nên đã xảy ra tình trạng giá cả không ổn định, như năm 2017 nhiều đơn vị phải đi giải cứu thịt heo…
Tập quán tiêu dùng vẫn là tiêu thụ thịt heo nóng, người dân chưa có thói quen tiêu dùng thịt mát, thịt đông lạnh.
Sàn giao dịch heo có gì lạ?
Theo ông Hoà, với nhóm điều kiện cần thì cơ quan nhà nước nhận thấy, sàn giao dịch hàng hóa nói chung và sàn giao dịch thịt heo nói riêng là hình thức giao dịch phổ biến, văn minh ở các nước chứ không có gì xa lạ. Thông qua sàn giao dịch này các chủ thể sẽ này có hệ thống thông tin đầy đủ công khai minh bạch. Tiếp đến là quy mô thị trường thịt heo đủ lớn để vận hành.
Với đề án truy xuất nguồn heo, cơ quan nhà nước có được dữ liệu tương đối đa dạng, đầy đủ, được cập nhật, quản lí tập trung. Cho phép có cái nhìn đầy đủ về thị trường, cho phép chủ động hoạch định xây dựng phương án kinh doanh, các chủ trương chính sách tạo điều kiện công khai minh bạch thị trường.
Mặt khác, hiện nay với thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép tìm các giải pháp phù hợp để có thể vận hành quản lí hiệu quả. Thao tác tương đối đơn giản với các app, ứng dụng. Chi phí đầu tư công nghệ giải pháp công nghệ không quá cao, không quá phức tạp. Đây là điều kiện đủ, khách quan để thành phố làm sàn giao dịch.
Riêng TP.HCM có sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong xây dựng đô thị thông minh và thành phố rất quan tâm sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng đưa CNTT vào hoạt động kinh doanh và quản lí ở tất cả thành phần kinh tế.
“Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật tư vấn của các tổ chức quốc tế, sự chia sẻ kinh nghiệm của một số sàn giao dịch đi trước ở các nước…Với các điều kiện cần và đủ như vậy Sở mạnh dạn đã đề xuất Thành phố về việc thành lập sản giao dịch này”, ông Hòa nói.
Sàn giao dịch này phải kết nối các chủ thể quan trọng gồm các cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ và phải là cơ sở giết mổ hiện đại; các thương nhân ở hai chợ đầu mối. Và sản giao dịch ra đời phải đạt tiêu chuẩn, gồm VietGap,GlobalGap, đối với ngành chăn nuôi phải thực hiện truy xuất nguồn gốc trong giai đoạn chăn nuôi , phân phối tiêu dùng và heo phảo trải qua giết mổ công nghiệp.
Ngoài kết nối việc mua bán giữa các chủ thể với nhau, còn có sự tham gia các cơ quan kiểm định độc lập để đánh gia chất lượng heo hơi đầu vào, heo mảnh và không thể thiếu vai trò của thương lái. Nhưng với sự ra đời của sàn giao dịch heo, thương lái không còn vai trò chi phối nữa, giờ đây đảm nhiệm chức năng chính là logicstic, thu mua , cung ứng, giao nhận...
"Chúng tôi hướng tơi giao dịch trực tiếp giữa người chăn nuôi và thương nhân kinh doanh, tiêu dùng", ông Hòa nói.