Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh", ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng đã liên tục lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp.
Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt, nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra thuận lợi trong giai đoạn COVID-19.
Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, mới đây Samsung đã liên tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam, mỗi năm thêm 1 tỷ USD, riêng 2023 là 1,2 tỷ USD nâng tổng vốn đầu tư của Samsung ở Việt Nam lên hơn 22 tỷ USD.
Để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến tăng trưởng xanh tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, đại diện Samsung Việt Nam đề xuất một số kiến nghị:
Trước hết, cần có những cơ chế ưu đãi hấp dẫn và đa dạng cho các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam. Đặc biệt là liên quan đến quỹ hỗ trợ đầu tư dưới sự quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có vai trò đáng kể để nâng cao quá trình cạnh tranh của Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy đáng kể sự chuyển dịch của Việt Nam sang tương lai xanh và sạch hơn.
"Tôi nghĩ đây là nền tảng để doanh nghiệp có thể tăng cường lòng tin vào Chính phủ", ông Choi Joo Ho nói.
Thứ hai, Việt Nam có thể đưa ra cơ chế thử nghiệm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Để làm được điều đó, cần có những cơ chế khuyến khích mang tiếng thử nghiệm vào các lĩnh vực mới như: AI, bán dẫn và ESG.
Các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan đã triển khai các chính sách như vậy để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà họ ưu tiên.
Thứ ba , cần đơn giản hoá thủ tục hành chính và đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Đồng thời, giảm thiểu những điều không chắc chắn về khung pháp lý. Hiện nay, có thể phải mất hai đến ba năm để giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
"Chính phủ cần thực hiện sát sao cam kết với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như theo dõi sát sao hơn việc cải cách thủ tục hành chính," đại diện Samsung cũng kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện Samsung cũng kiến nghị Chính phủ cần thực hiện cam kết với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy thu hút đầu tư cũng như theo dõi sát sao hơn việc cải cách thủ tục hành chính.
Cần sớm có các ưu đãi mới để thu hút các nhà đầu tư sau khi Việt Nam
Ưu đãi liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng cần sớm có các ưu đãi mới để thu hút các nhà đầu tư sau khi Việt Nam chính thức áp dụng thuế suất này.
Theo ông, việc quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam về việc các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay có thể trở nên gần như vô nghĩa.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5 -10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.
Theo nội dung dự thảo Nghị định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến từ ngày 19/12/2023 bao gồm kế hoạch thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nội dung về ưu đãi hỗ trợ, phạm vi và phương pháp hỗ trợ thông qua Quỹ hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo nội dung của dự thảo Nghị định này, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, gây ra lo ngại về việc số doanh nghiệp có khả năng được hưởng hỗ trợ rất ít và phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi.
Trường hợp hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp này bị thu hẹp lại do quy định này, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp cung ứng đã đầu tư vào Việt Nam theo doanh nghiệp đó, cuối cùng sẽ gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung Nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.