Các “mồi nhử” dưới hình thức “lướt web kiếm tiền, đầu tư sinh lời...” với đủ chiêu trò tinh ranh, ma mãnh đã vét cạn túi tiền của rất nhiều nạn nhân đang khốn cùng giữa mùa dịch bệnh...
Lướt web kiếm tiền triệu
Trong thời gian phải tạm nghỉ vì dịch COVID -19, chị Lê Thị Hoài Lan (38 tuổi, nhân viên thị trường của công ty bảo hiểm tại TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên lên mạng xã hội giải trí cho khuây khỏa. Vào Zalo, chị tình cờ lướt qua một chuyên mục quảng cáo “mùa dịch, ở nhà có thể kiếm tiền triệu”. Chị Lan tò mò mở đường link ra xem. Tại đây, hiện lên cách kiếm tiền vô cùng hấp dẫn, đồng thời app (ứng dụng) hướng dẫn người chơi từng thao tác cụ thể, dễ hiểu.
Các app quảng cáo kiếm tiền với những lời có cánh. |
Chị Lan nhấp vào một nick name tên Mỹ Hoan, tự giới thiệu là thầy hướng dẫn. Để tạo hiệu ứng chân thật cho học trò, “thầy” gửi liền một tấm ảnh chân dung mượt mà, láng bóng. Nhìn vào ảnh, chị Lan đoán người đàn ông này tầm 30 tuổi. Sau màn “sô nhan sắc”, “thầy” tiến hành hướng dẫn học trò các công đoạn kiếm tiền rất hiệu quả trên ứng dụng. Đầu tiên, học trò phải nộp ngay 50.000 đồng vào tài khoản của app để đăng ký thành viên “cứng”. Các bước tiếp theo là đăng ký tài khoản; nạp tiền vào tài khoản rồi đăng ảnh lên nhóm; tải app và cách hoàn thành nhiệm vụ; liên kết ngân hàng, rút tiền về ATM; đăng ảnh tiền về trên nhóm... Hàng chục công đoạn nghe có vẻ hoa mắt, chóng mặt nhưng lại cực kỳ dễ vì có “thầy” hướng dẫn tận tình.
Ngày đầu tiên, chị Lan kiếm được 150.000 đồng vào tài khoản của mình. Số tiền này, chị Lan có thể ra ATM rút hoặc thực hiện các giao dịch khác đều được. Đúng là tiền thật trên thế giới ảo, chị Lan khấp khởi trong lòng, tự nhiên ngồi ở nhà lướt mạng vẫn kiếm được tiền. Ngày tiếp theo, chị Lan được “thầy” hướng dẫn đầu tư gấp đôi ngày đầu. Tức là, người chơi phải nộp 300.000 đồng để thu về 200.000 tiền lời.
“Thầy” giải thích để học trò yên tâm: “Tổng số tiền người chơi nộp vào tài khoản của app là tiền vốn đầu tư “cứng” và không bao giờ thất thoát được. Còn tiền nhận về là tiền sinh lời. Bất cứ lúc nào người chơi muốn thu hồi vốn đều được”.
Chị Lan lặng lẽ một mình gặm nhấm nỗi buồn mất của mà không dám nói với ai. |
Trong “gia đình” của app, chị Lan được nhìn thấy tất cả các thành viên tham gia, cũng như số tiền họ đầu tư, thu về. Họ có thể trao đổi, tâm sự đủ thứ trên đời qua phòng chat tập thể của app. Tuần đầu tiên, mỗi ngày chị Lan đều rủng rỉnh thu tiền lời nhưng bù lại phải đều đặn nộp tiền đầu tư. Hơn 1 tháng kiếm tiền ảo, chị Lan bỏ ra 50 triệu vốn, thu về chỉ được 20 triệu tiền lời. Đến lúc không thể có tiền đóng quỹ đầu tư nữa, chị Lan có ý định dừng cuộc chơi, thu hồi vốn.
Lúc này, “thầy” bảo chị Lan liên hệ trực tiếp với chủ app để được hướng dẫn. Chị Lan không biết ai là chủ app, vì lâu nay toàn giao dịch trong một phòng chat chung của “gia đình”. Chị Lan lật đật đi hỏi thăm những người anh em của mình trong app, tất cả đều ngớ ra, không biết ai là “cha mẹ”. Cảm thấy có điều gì đó mờ ám, chị Lan đăng bài cảnh báo cho các thành viên trong nhóm thì ngay lập tức bị xóa tên thành viên, loại khỏi phòng.
Bị đuổi ra khỏi app đồng nghĩa với việc không thể lấy lại tiền gốc, coi như mất trắng. Chị Lan cố gắng tìm cách đăng nhập vào app với tên gọi khác, số điện thoại và email khác nhằm tìm kiếm ông chủ để lấy lại tiền. Cũng các bước ban đầu, sau đó chị Lan được cung cấp cho một “thầy” mới. Vì lần này, mục đích không phải đầu tư, chị Lan lưỡng lự không chịu nộp tiền quỹ nên bị “thầy” phát hiện cho ra khỏi app ngay. Sau đó, chị Lan còn lập vài tài khoản để thâm nhập vào nhóm nhưng đều thất bại. Chị Lan không đủ tinh vi, ma mãnh để qua mặt “bộ sậu” này.
Bị lừa “trắng mắt”, chị Lan uất ức mà không thể chia sẻ cùng ai. 50 triệu đầu tư, sau hơn một tháng cả ngày lẫn đêm dán mắt vào điện thoại, chát chít, tâm sự, chia sẻ, mừng rỡ, vui buồn, lo lắng, hồi hộp... đủ mọi cung bậc cuối cùng vẫn mất 30 triệu. Đây là số tiền chị Lan rút trong sổ tiết kiệm của mình, nó là tài sản hai vợ chồng góp nhặt để cuối năm gửi về quê xây nhà cho bố mẹ chồng.
Chị Lan không dám nói cho chồng biết, vẫn giữ kín nỗi đau này trong lòng để rồi nhiều đêm khóc thầm vì uất nghẹn. “Giờ tôi không thể đi làm, lương cũng không có, cái ăn hằng ngày trông chờ vào đồng lương của chồng, cũng bị giảm một nửa vì dịch bệnh. Tôi không ngờ mình dễ dàng mắc bẫy đến vậy”, chị Lan buồn bã chia sẻ. Để bù lấp khoản tiền đã mất, chị Lan âm thầm hỏi vay bạn thân. Người này cố gắng lắm cũng chỉ giúp được 10 triệu. Số còn lại, chị Lan bán quà cưới là nhẫn vàng, bông tai.
Chị Lan cho biết, riêng app của chị đăng ký đã có hàng trăm thành viên tham gia đầu tư. Trong số này, người của app và các nick ảo do nhóm lừa đảo dựng lên chiếm một nửa. Còn lại, đều là “gà” như chị, do mê muộn kiếm tiền mà dính bẫy.
Tan cửa nát nhà
Khoản tiền chị Lan mất được xem là nhỏ so với các nạn nhân khác. Chị Lê Thanh Huyền Trâm (29 tuổi, ngụ Q.3, TP. Hồ Chí Minh) đang trong tình cảnh muốn “độn thổ” vì mất tất cả vốn liếng làm ăn đầu tư qua app. Trâm là chủ quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, đã phải đóng cửa để phòng chống dịch bệnh. Ở nhà, Trâm được cô bạn thân giới thiệu cách kiếm tiền nhẹ nhàng trên mạng.
Sau khi người dùng đăng ký thành viên sẽ được thầy hướng dẫn cách kiếm tiền. |
Đặt niềm tin tuyệt đối vào bạn mình, Trâm bỏ qua luôn các bước tìm hiểu, thăm dò. Cô bạn gửi cho đường link, Trâm vào ngay vì nôn nóng kiếm tiền. Tại đây, Trâm được một nick tiếp đón, giới thiệu là đội trưởng của nhóm Lạc Hồng. Đội trưởng gửi ngay một bản giới thiệu hoành tráng về sức mạnh của đội, cũng như bề dày thành tích kiếm tiền, các tỷ phú đã và đang đầu tư... Bị hào quang làm chói mắt, Trâm không còn tỉnh táo để suy nghĩ nhiều, “xuống tay” đâu tư vố đầu tiên 1 triệu đồng để thu về 886 ngàn.
Bỏ vốn 1 triệu mà lời ngay từng ấy, lợi nhuận gấp mấy lần bán quán cà phê. Huyền Trâm say sưa trên ngân hàng tiền ảo, cô đầu tư hết 80 triệu tiền vốn của mình. Trâm suy nghĩ, sẽ hỏi mượn tiền của chị gái để đầu tư tiếp và có thể sẽ dắt chị mình cùng làm ăn. Chị gái đồng ý cho Trâm 50 triệu, trong đó một nửa nhờ cô em mình đầu tư giúp. Đầu tư hết 50 triệu, chị em Trâm thu về 25 triệu tiền lãi. Tưởng như công cuộc kiếm tiền thời buổi khó khăn này sẽ nhanh chóng phất lên, Trâm từng nghĩ bỏ quán cà phê để làm giàu theo cách này.
Sáng 4-7-2021, Trâm nhận được cuộc gọi hốt hoảng của cô bạn thân, yêu cầu ngay lập tức rút vốn về. Trâm ngơ ngác hỏi lại thì cô bạn òa khóc: “Mình bị lừa rồi”. Trâm liên hệ với đội trưởng của mình, nói cần rút vốn vì gia đình có việc cấp bách. Trước khi tham gia thành viên, đội trưởng có hứa là bất cứ khi nào muốn rút vốn đều được và sẽ giải quyết trong vòng “một nốt nhạc”. Đây chính là “liều thuốc chuột” làm cho “con mồi” nào cũng phải chết.
Tưởng sẽ được đáp ứng nguyện vọng, ai ngờ, đội trưởng nhắn lại: “Tôi không quản lý quỹ, bạn có thể liên hệ với chủ app”. Kịch bản giống y chang cô bạn thân, Trâm nhận ra, mình đã bị lừa thật sự.
Huyền Trâm đứng trước cửa nhà của anh rể, mong được tha thứ. |
Trâm kêu gào thảm thiết trong nhóm, đồng thời khuyên mọi người lập tức ngừng chơi. Tuy nhiên, các dòng tin của Trâm đã bị đánh bật ra ngoài, phút chốc, Trâm bị lock out tài khoản, đuổi cổ ra khỏi “ngôi nhà chung”.
Tất cả đều là ảo, không có thứ gì là thật, ngay cả tên đội trưởng, mặt mũi sáng sủa là thế nhưng chẳng ai biết họ tên, địa chỉ, quê quán của y. Bị ra khỏi nhóm bất ngờ đột ngột, Trâm không kịp thu thập được chứng cứ gì. Còn tiền thì chắc chắn sẽ mất, không bao giờ lấy lại được.
Huyền Trâm nhắn tin hỏi vụ hoàn vốn. Sau đó, trưởng nhóm cắt đứt liên lạc với Trâm. |
Trâm đã nhờ bạn của mình chuyên về IT thâm nhập, bẻ khóa vào trong app nhưng đều thất bại. Vì xót xa cho các bạn cùng chơi, Trâm liên tục lấy tài khoản khác tham gia và chấp nhận nộp tiền ký quỹ, chấp nhận mất mát thêm để gửi lời cảnh báo tới các nạn nhân đang “đốt tiền” cho bọn lừa đảo. Tuy nhiên, nhóm chat là chung, không có phòng riêng, chỉ cần thấy một dòng tin bất lợi cho app, lập tức tài khoản đó bị đóng băng và xóa tên. Trâm và bạn của mình tìm đủ mọi cách để vạch mặt bọn lừa đảo nhưng không thể làm gì. Họ chỉ còn biết gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng.
Huyền Trâm mất tổng cộng 85 triệu trong tổng số 130 triệu đầu tư. Trâm không còn tiền thuê nhà và thuê mặt bằng quán cà phê, không có khả năng trả nợ chị gái. Cô bạn thân đưa Trâm vào con đường vỡ nợ đang muốn tự tử vì đã mất 120 triệu đồng. Trâm không dám trách bạn, tất cả giờ là nạn nhân, thương nhau còn chưa hết nữa là oán giận.
Chính sách “góp gió thành bão”
Để thâm nhập vào “gia đình” lừa đảo này, chúng tôi đã nộp 50 ngàn đăng ký làm thành viên của nhóm “sanchoithekyHoangNam”. Trong nhóm có rất nhiều “thầy bà” và đội trưởng với những tên gọi như: ThanhTuan, Ruby, Tuanco... Chúng tôi được “thầy” Ruby chỉ dạy, theo đúng các bước lập trình để kiếm tiền giống y các nạn nhân đã từng thực hiện ở trên. Thấy thành viên mới chưa kịp nộp 200 ngàn vào tài khoản để đầu tư sinh lời, “thầy” Ruby liên tiếp hối thúc.
Đối tượng nhắm tới là phụ nữ mang thai, người về hưu... |
Thầy bảo: “Bạn phải tận dụng thời gian vàng ngọc này, các thành viên trong gia đình đều ở đây, cùng nhau hỗ trợ cho bạn”. Tiếp lời của “thầy” là hàng loạt nick sáng đèn liên tiếp tung ra hình ảnh chụp các khoản tiền lời “chảy” vào túi. Các con số nhảy múa lên tới tiền trăm, tiền tỷ. Chúng tôi thử click vào một trong số các nick người chơi được cho là “đại gia” đầu tư để xem thông tin cá nhân nhưng không thể mở được tài khoản của họ. Lý lịch chỉ dừng lại ở một cái nick và tấm ảnh chân dung không thể kiểm chứng được thật hay giả.
“Thầy” chờ mãi không thấy “học trò” mới dính bẫy, đã tỏ ra sốt ruột. “Thầy” cho thời hạn 1 ngày mà không xuống tiền đầu tư thì sẽ bị cho vào chế độ ẩn, nghĩa là không được tương tác gì với gia đình app và mất cơ hội “vàng”.
Tiến sĩ Lê Đăng Tuấn - CEO Viện Công nghệ số châu Á tại Việt Nam nhận định: Các app thực hiện chính sách “góp gió thành bão”, tiền lời không bao giờ vượt quá tiền đầu tư ban đầu. Một khi đã là thành viên, dù không tham gia chơi cũng mất ít nhất 50 ngàn. Nếu là nhà đầu tư, con số có thể vài trăm triệu. Người chơi chỉ tỉnh ngộ ra khi đã vét đến những đồng tiền cuối cùng...
Đây không phải là hình thức mới nhưng vì trình độ hiểu biết của một bộ phận người tham gia còn rất hạn chế, không xác định được đâu là thật, giả để phòng tránh. Sau khi kiếm được một số tiền kha khá, nhóm này sẽ xóa app và lặn một thời gian, sau đó xuất hiện dưới vỏ bọc khác để tiếp tục hành nghề.
(Theo An Ninh Thế Giới)