Phát triển sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự,... hàng loạt giải pháp được chỉ ra để công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc thu hút khách du lịch, tránh để khách “một đi không trở lại”.
Tự phát, cứ thích là đi quảng bá
Tại hội thảo về Xúc tiến Du lịch, diễn ra ngày 31/3, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, hạn chế của công tác xúc tiến du lịch hiện nay được chỉ ra nhiều, nói rất đúng nhưng về giải pháp thì chưa làm được bao nhiêu. Chúng ta quen xúc tiến theo cách truyền thống là chủ yếu, nay muốn hiệu quả như các nước cần biết thị trường trọng điểm là đâu và họ muốn gì.
Hơn nữa, theo ông Thọ, xúc tiến quảng bá trước hết phải làm sản phẩm, trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới mong giữ được khách cũ và kéo khách mới. Ông Thọ dẫn chứng 5 năm qua, Singapore phát triển một hệ thống các resort, khu vui chơi mới như Sentosa resort, Marina Bay,... nên tiếp tục hút được khách cũ trở lại và tăng khách mới, nhờ đó du lịch tăng trưởng 30%, đạt 30 triệu khách.
Theo các đại biểu, trong xúc tiến du lịch hiện nay thì Đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, roadshow không cần làm nhiều mà nên áp dụng công nghệ 4.0, nên kinh doanh trực tiếp và vận dụng công nghệ hiện đại. |
Như vậy, du lịch Việt Nam đã có những nghiên cứu thật đúng, thật trúng chưa để giúp các DN tìm hiểu thị trường, đối tượng khách trước khi quảng bá?
Ông Phạm Trung Hòa, Trưởng khoa Du lịch ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, Việt Nam đã có nghiên cứu, có đúng nhưng hơi lệch một chút, có trúng nhưng lại lệch thêm chút nữa.
Việc quan trọng nhất xác định đối tượng khách của Việt Nam là gì thông qua các nghiên cứu về thị trường, điều tra tại các hội chợ quốc tế, các cửa khẩu,... Chẳng hạn, trang web của Tổng cục Du lịch Singapore thường xuyên cập nhật các nghiên cứu, đánh giá thị trường, xu hướng dịch chuyển khách để các DN khai thác.
Trong khi đó, theo ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, thì các DN và địa phương tự làm, “mỗi ông một phách, không biết có trúng hay không, có hiệu quả hay không”.
Nói như đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, các địa phương đang làm theo kiểu thích là lên đường đi quảng bá xúc tiến, làm một cách tự phát, không biết thị trường nào là trọng tâm trọng điểm.
Cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn cả là thuê công ty, đại lý truyền thông làm công tác nghiên cứu, điều tra thị trường. Ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc công ty Le Bros, dẫn chứng, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) thuê hẳn công ty Nielsen nghiên cứu từng thị trường để đo chỉ số nhận biết thương hiệu của họ ở mỗi nước, từ đó có cách tiếp cận quảng bá tốt nhất. Nếu được, thương hiệu Việt Nam cũng nên làm như thế, ông Vinh đề xuất.
Tuy nhiên, nói về việc xây dựng sản phẩm mới, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có nhiều sản phẩm rồi, liệu chúng ta đã khai thác tận dụng được những cái đã có hay chưa, hay bản thân những cái cũ mình vẫn chưa làm tốt.
Tỷ lệ du khách quay lại quá thấp
Một thực tế hiện nay là tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam quá thấp khiến chi phí marketing bỏ ra trên một đầu khách đắt đỏ.
Ông Lê Quốc Vinh cho hay, chi phí để giữ 1 khách cũ chỉ bằng 1/5 so với thu hút một khách mới. Vì thế, việc marketing làm sao để khách quay trở lại là hiệu quả nhất.
Hiện chưa có thống kê về tỷ lệ khách quay trở lại VN nhưng con số này là cao |
Theo ông, đầu tiên vẫn là dựa vào sản phẩm. Các địa phương cần có sản phẩm chiến lược hấp dẫn để hút khách quay trở lại. Trong khi đó ở Việt Nam, hàng loạt cơ sở lưu trú, khách sạn từ trung đến hạng sang, khu vui chơi nghỉ dưỡng ra đời nhưng các tập đoàn này vẫn chỉ lo phát triển sản phẩm riêng lẻ mà chưa gắn kết với các địa phương để tạo ra một hệ sinh thái hấp dẫn du khách.
Đó mới là sức hút, sau đó mới đến xúc tiến, quảng bá, duy trì các mối quan hệ với khách hàng cũ. Ở Việt Nam cũng chưa quan tâm lắm đến chăm sóc những khách hàng này. Để làm được đòi đòi hỏi một giải pháp marketing đồng bộ, nay chúng ta quảng bá không tập trung giá trị cốt lõi mà chung chung, quá rộng và dàn trải.
Việc khách nước ngoài không quay trở lại Việt Nam, con số 70% hay 80%, ông Nguyễn Hữu Thọ cho rằng không chắc chắn lắm bởi chưa có công nghệ nào thống kê việc này. Nhưng rõ ràng, tỷ lệ khách không trở lại Việt Nam là cao.
Để giảm thiểu tình trạng này, ông Thọ góp ý, phía các DN nên chọn 1-2 thị trường chính để làm và làm cho đến nơi đến chốn đã thành công rồi, không nên bắt chước tranh giành thị trường của nhau. Bản thân các địa phương cũng cần có chiến lược thu hút khách riêng, ví dụ TP.HCM và Hà Nội nên tập trung nguồn khách MICE, hay doanh nhân, mua sắm,...
Một trong những vấn đề đặt ra nữa là vai trò đầu tàu của Tổng cục Du lịch, ông Ngô Minh Đức đánh giá, kể cả khi có tiền, có kế hoạch đấy nhưng làm chưa tới tầm.
Dưới góc độ một doanh nghiệp nhiều lần tham gia xúc tiến với Tổng cục Du lịch qua các chương trình roadshow, các hội chợ, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Goldentour, nhận xét, công tác tổ chức của Tổng cục Du lịch ngày càng chuyên nghiệp nhưng việc các DN, các tỉnh tham gia rất ít nên lãng phí. Hơn nữa, có tình huống là khi đi xúc tiến, tại gian hàng Việt Nam chúng ta mời hàng trăm khách và rất nhiều buyer (bên mua), thậm chí cả nghìn khách như thị trường Trung Quốc, nhưng saler (bên bán) chỉ vỏn vẹn vài người thì làm sao đáp ứng được?
Vì thế, cơ quan này cần xem lại khâu truyền thông: Tổng cục Du lịch đang có những gì, quảng bá ra sao, độ mở đến đâu để DN biết tham gia?
Liên quan đến nguồn tiền cho công tác xúc tiến quảng bá, chúng ta kêu ít (2 triệu USD) nhưng theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, nếu cộng với số các DN, các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... bỏ ra khi tự xúc tiến nữa thì không phải quá ít. Ít tiền, chúng ta càng cần nghĩ ra cách làm có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, vấn đề là chúng ta có đủ người, đủ năng lực để tiêu tiền không? Do đó, yếu tố quan trọng vẫn là con người, khi ít tiền càng tìm ra nhiều giải pháp thông minh, cái khó ló cái khôn.
Ngọc Hà