Không vay tiền, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị các đối tượng “khủng bố” điện thoại vì nhân viên cấp dưới, thậm chí người thân của nhân viên vay nợ.
Ám ảnh trăm cuộc gọi đòi nợ
Hai ngày nay, chị Nguyễn Mai Trang (Giám đốc một DN ở Đống Đa, Hà Nội), nhận được cả trăm cuộc gọi lạ đòi nợ. Danh sách cuôc gọi của chị dày đặc các số ẩn danh, tần suất chỉ cách mấy giây một cuộc, khiến chị như bị tra tấn và không thể nhận các cuộc gọi thông thường khác.
Chị Trang giật mình bởi từ trước tới nay, chị không hề vay mượn các công ty cho vay tiêu dùng. Qua điện thoại, người đầu dây tự xưng nhân viên Công ty đòi nợ thuê là Long Bình, Công ty DSP... gọi điện cho chị nhắc nợ vì khoản vay của nhân viên làm trong công ty không trả. Tuy nhiên, nhân viên này đã nghỉ việc tại công ty từ lâu.
Do không liên quan tới mình, chị Trang từ chối các cuộc điện thoại lạ nhưng các cuộc gọi, tin nhắn khủng bố liên tục dội đến. Thậm chí, chúng còn dùng các máy thông thường, có hiện số gọi mời đặt bánh rồi lập tức giở giọng đòi nợ, khiến người nhận như chị không biết đâu mà tránh.
“Các đối tượng gọi điện liên tục cho giám đốc, các phó giám đốc và trưởng phòng của công ty, gây phiền phức”, chị Trang bức xúc.
Tín dụng đen 'khủng bố' sếp đòi nợ nhân viên cuối năm (Ảnh minh hoạ) |
Tương tự, giám đốc một công ty ở Bình Dương bị đối tượng gọi điện uy hiếp để trả nợ thay cho... nhân viên. Ngoài việc gọi điện thoại liên tục để khủng bố, gây sức ép, đối tượng đòi nợ còn lấy hình ảnh gia đình chị để cắt ghép đăng lên mạng xã hội, nhằm hạ uy tín của chị đối với đối tác làm ăn với công ty.
Qua xác minh chị được biết, công ty có nhân viên vay tiền qua app. Tuy nhiên, do các đối tượng không liên lạc được với nhân viên nên quay sang đòi nợ chị, vì cho rằng chị làm giám đốc nên có tiền để trả thay.
Gần đây, một giám đốc đã nộp đơn trình báo đến Công an quận 7 và Công an TP.HCM vì bị nhắn tin dọa giết cả nhà do nhân viên công ty vay tiền bên ngoài. Theo đó, một nhân viên đang làm việc tại công ty nhưng nhưng vay mượn bên ngoài - đây là quan hệ cá nhân, không liên quan đến vị giám đốc và công ty. Tuy nhiên, việc bị nhắn tin đe dọa như trên đã khiến gia đình ông hoang mang, lo sợ.
Còn tại Kon Tum, ông V.T.M, chủ tịch UBND một huyện ở tỉnh này, đã bị các đối tượng gọi điện đòi nợ do một nhân viên cấp xã vay tiền qua app quên không trả. Dù chủ tịch huyện này trả lời không có họ hàng, liên quan đến các khoản vay nhưng các đối tượng vẫn liên tục gọi điện, nhắn tin gây áp lực. Thậm chí, còn thách thức ông đi trình báo công an.
Không chỉ nhân viên cấp dưới mà người thân của nhân viên vay tiền không trả, giám đốc DN cũng bị khủng bố đòi nợ. Chị Anh Thư (giám đốc một DN ở Hà Nội) cho hay, chị liên tục bị một số đối tượng gọi đòi nợ, ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như công việc. Qua tìm hiểu, không phải nhân viên của công ty chị vay nợ mà một người thân trong số họ.
“Việc nhân viên cấp dưới vay nợ, sếp bị đòi từng xảy ra. Nay cả người thân họ vay, tôi cũng bị liên đới. Họ gọi điện nhắc nợ liên tục bằng hệ thống tự động khiến tôi mệt mỏi”, chị chia sẻ.
Tết đến ráo riết đòi nợ
Vay nợ lãi suất cao, khi chậm trả, người vay bị đòi nợ, đe doạ. Đặc biệt, thời điểm gần Tết, các cuộc gọi đòi nợ tăng đột biến, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, tâm lý của những người không đi vay nhưng bị đòi nợ.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi vay tiền từ các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, nhưng nhiều trường hợp vẫn chấp nhận vay tiền. Khi người vay không trả nợ đúng hạn, họ bị các đối tượng tạt chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay ghi nhận 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
Mỗi phút 10 cuộc gọi đòi nợ (ảnh minh hoạ) |
Ông Mạnh Hà khuyến cáo, người dân khi gặp tình huống trên cần soạn đơn khiếu nại đến công ty tài chính để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, đòi tiền cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ trả nợ. Bên cạnh đó, người dân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra, công an nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi sử dụng điện thoại các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa tinh thần.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, cho hay, nhiều trường hợp công ty tài chính cho vay tín chấp nhưng đến hạn người vay không trả. Khi đó, ngân hàng, công ty tài chính không gọi điện yêu cầu người vay trả tiền, mà liên hệ với những người quen biết để yêu cầu trả hộ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của những người quen biết với người vay mà còn trái luật.
Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/1/2020, các công ty tài chính không được gọi điện, cho những người quen biết với bên vay giục trả nợ thay bởi họ không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính. Ngoài ra, các hành động như gọi điện quá nhiều lần một ngày, đe dọa, đăng tải những hình ảnh, thông tin cá nhân của bên vay và những người quen biết với bên vay để xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhằm ép bên vay và những người quen biết với bên vay phải trả nợ cũng là bất hợp pháp.
Luật sư Hà cho rằng, các công ty tài chính đã sử dụng các thông tin của người vay trong hợp đồng vay để thúc giục người quen của bên nợ trả thay nên điều này được coi là sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân sai mục đích theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc sử dụng các thông tin của người vay mà không có sự đồng ý của người đó cũng vi phạm quy định nêu trên.
Công ty tài chính có hành vi gọi điện, quấy rối những người quen biết với bên vay để đòi nợ có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Khi bị các công ty tài chính gọi điện liên tục đòi trả nợ, căn cứ vào Khoản 15 Điều 1 Thông tư 18, người bị quấy rối có thể gửi đơn khiếu nại gửi tới công ty tài chính đã quấy rối, gọi điện giục nợ để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, về đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.
Bảo Anh