Là một cổ phiếu được săn đón 3 năm về trước, câu chuyện về JVC có lẽ để lại nhiều khúc mắc trong dư luận. Từ việc cựu Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt với lý do khách hàng tố cáo nhưng sau đó sự việc bỏ ngỏ, cho đến "nghi án" rút ruột hàng trăm tỷ đồng cũng chìm vào quên lãng. Với vị thế là nhà phân phối độc quyền cho nhiều hãng thiết bị y tế Nhật, phải kể tên có Sakura, Hitachi… đến những gói thầu tại các đơn vị phân phối, việc tranh chấp tại JVC có lẽ cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, thực chất vấn đề cũng chỉ dừng lại tại những ý kiến trái chiều của thị trường.
Vẫn còn đó nhiều nghi vấn chưa được giải đáp, ông Lê Văn Hướng bị ai tố cáo và xét xử như thế nào, 500 tỷ đồng tài sản "bốc hơi" ra sao, cả dấu chấm hỏi về những doanh nghiệp mới thành lập cùng ngành nghề kinh doanh thiết bị y tế như Việt Mỹ (AMV) hay mới đây nhất là Sara Việt Nam (SRA).
Cho đến mới đây, sau 3 năm lặng sóng, nhiều lãnh đạo của JVC vừa bị khách hàng cũ – Triết Tôn Tiên – tố giác về hành vi dùng tài sản đã bán để thực hiện giao dịch với các bên khác, JVC lại nổi lên với nhiều nghi vấn liên quan đến AMV, SRA khi lãnh đạo cùng cổ đông tại hai đơn vị mới này đều có liên quan đến ông Lê Văn Hướng.
Vậy thực chất nội bộ hiện tại của JVC như thế nào, và mối quan hệ của JVC – AMV – SRA mà dư luận đang quan tâm ra sao?
Chính thức lên tiếng về điều này, cựu Chủ tịch JVC – ông Lê Văn Hướng – đồng thời là cha đẻ JVC phân trần việc ông bị bắt và rời khỏi Công ty là do những lý do khách quan. Trước hết, liên quan đến sự cố bị bắt giữ vào năm 2016, ông Hướng cho biết sau một thời gian cơ quan điều tra không có bằng chứng rõ ràng để buộc tội đã tại ngoại cho ông. Sau khi trở về, cũng từ đây ông Hướng chính thức rời JVC và không còn liên quan gì đến cổ phiếu hay điều hành Công ty, đi cùng với đó là những người thân của ông như vợ, mẹ vợ.
Tuy nhiên, là người sáng lập ra JVC ngay từ những năm 2001, có tâm huyết cũng như am hiểu, mối quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, ông đã có dự định thành lập một đơn vị khác cũng trên lợi thế của mình. Song, do có nhiều vấn đề phát sinh, nên sau đó ông Hướng chỉ còn đứng trên vai trò tham vấn chiến lược kinh doanh cho những đơn vị kinh doanh thiết bị y tế.
Cha đẻ JVC đang làm tư vấn chiến lược cho AMV và Sara
Và hai trong số các đơn vị ông Hướng đang làm chiến lược hiện nay chính là Việt Mỹ (AMV) và Sara (SRA). Cùng xuất thân từ những vị trí trong JVC, vợ cũng như những người liên quan đến ông Hướng đều có kinh nghiệm và quan hệ trong lĩnh vực giao dịch thiết bị y tế, đây cũng chính là lý do thành lập nên AMV với bà Đặng Thập Nương (mẹ vợ ông Hướng) là cổ đông lớn, bà Đặng Nhị Nương (em bà Thập Nương) là người đại diện.
Còn về Sara, chủ nhân cũng là một người quen của ông Hướng, đang được ông tham mưu chiến lược kinh doanh về thiết bị y tế. Sara thực chất là một công ty không mấy nổi bật trên sàn chứng khoán, tuy nhiên nhắm thấy thị trường thiết bị y tế tiềm năng, đi cùng với nhu cầu cần huy động vốn nên bản thân người quen của ông Hướng đã chọn mua lại Sara (tức công ty có lợi thế đã niêm yết), từ đó tái cơ cấu và thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Hiểu nôm na, sau "thất bại" tại JVC, ông Hướng cùng gia đình, những người anh em đã bắt tay vào những dự án kinh doanh mới, cốt lõi cũng trong lĩnh vực thiết bị vật tư y tế, trong đó ông Hướng chỉ đứng trên vai trò tư vấn chiến lược.
AMV và Sara có những thế mạnh riêng và bù trừ, hỗ trợ nhau
Theo chia sẻ từ ông Hướng, những khách hàng nước ngoài từ Nhật, Mỹ… trước đó làm việc với JVC đều khá thân với ông, do đó sau khi ông chính thức rời JVC để gầy dựng nên sự nghiệp mới, thì khoảng 21 đối tác đã ký kết hợp đồng thông qua ông, tức với AMV và Sara. Đây là thế mạnh hiện nay của AMV và Sara, ông Hướng nhấn mạnh, và với một mức sinh lời lớn trong dư địa thị trường y tế Việt Nam thì những con số kinh doanh tại hai đơn vị này không hề ảo.
Chi tiết, AMV hiện khá mạnh trong mảng trung tâm xét nghiệm máu với những máy móc hiện đại. Mới đây AMV còn được chấp thuận triển khai dự án chụp X-quang từ phim khô sang phần mềm – điều này theo ông Hướng là bước tiên phong tương tự JVC thời cải cách phim X-quang ướt sang phim X-quang khô tại Việt Nam.
Và điểm nhấn theo vị này, AMV đang dự định thành lập đơn vị IVF – mục đích chữa trị bệnh hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ AMV được thông qua năm nay, do 2 dự án Xây dựng nhà nội trú huyện Cẩm Khê và Bệnh viện đa khóa huyện Đoan Hùng bị chậm tiến độ, do đó Công ty đã tiến hành chuyển mục đích sử dụng vốn tại CTCP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ sang làm 3 dự án xét nghiệm (lợi thế hiện nay của AMV) và 50 tỷ cho trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF.
Thống kê cho thấy, việc điều trị bệnh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh, tuy nhiên chi phí hiện nay vô cùng đắt đỏ song tỷ lệ thành công chỉ dừng lại ở mức 50-60%. Như vậy, với việc đầu tư máy móc cho trung tâm IVF, ông Hướng kỳ vọng sẽ làm tăng tỷ lệ thành công lên 80-90%, và nếu làm được thì nguồn doanh thu từ mảng này là vô cùng tiềm năng.
Đặt kế hoạch cho năm 2018, AMV dự kiến doanh thu tăng đột biến từ 72 tỷ lên 415 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 283% lên gần 111 tỷ.
Đó là AMV, còn Sara lại có ưu điểm hoàn toàn khác, Công ty hiện mạnh về mảng cung cấp những thiết bị xét nghiệm ung thư, đồng thời trong lĩnh vực xử lý chất thải y tế. Điểm nhấn hiện nay Sara đang nhập máy xử lý chất thải y tế bằng công nghệ âm từ Nhật, điều này kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nan giải hiện nay của nhiều bệnh viện. Cũng chính việc tiên phong vào những mảng nhiều dư địa, Sara cũng đề ra con số kinh doanh khá tham vọng cho năm 2018. Điều này gây nhiều nghi vấn cho cổ đông, song vị tư vấn chiến lược này khẳng định con số không hề ảo, Sara "làm thật ăn thật".
Còn chuyện cổ phiếu SRA của Sara tăng sốc, ông Hướng cho biết có thể xuất phát từ thông tin kết quả kinh doanh đột biến cùng những dâu chấm hỏi liên quan đến JVC. "Thực chất giá gần 80.000 đồng/cp SRA là quá đắt, theo ghi nhận có đến hơn 500 cổ đông đầu cơ SRA", ông Hướng nói, và mong cổ phiếu sẽ sớm điều chỉnh về vùng giá hợp lý.
Tóm lại, ông Hướng không phủ nhận việc mua bán qua lại giữa AMV và Sara, và thực tế cũng cho thấy điều đó. "Tuy nhiên không phải Sara và AMV mua qua bán lại một món hàng, mà là bù trừ những thế mạnh cho nhau, vì thực chất cũng là anh em làm ăn chung với nhau cả", ông Hướng phân trần. Thiết bị y tế là một lĩnh vực kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận, mà còn là đam mê, cái nghề vớ nhiều kinh nghiệm, thăng trầm, vị cựu chủ tịch "ngôi sao" một thời JVC cho biết vẫn sẽ cố gắng để gầy dựng nên những JVC khác nữa.
Riêng với JVC, ông Hướng hiện không còn liên quan gì kể cả điều hành, kinh doanh hay nắm giữ cổ phiếu, nhưng với ông đó là vẫn "đứa con" để lại cho ông nhiều trái đắng, cựu chủ tịch cũng thể hiện sự cảm thông với những cổ đông khi giá cổ phiếu rớt thảm từ sau thời hoàng kim.
Về vụ truy tố nhiều quản lý của JVC mới đây, theo ghi nhận từ ông Phạm Hồng Sơn – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện Triết Tôn Tiên – ông tố giác những quản lý tại JVC kể từ sau vụ ông Lê Văn Hướng bị bắt, JVC đã không giao đủ số hàng mà bên Triết Tôn Tiên mua và có thanh toán tiền được một nửa hợp đồng. Ông Sơn cho biết, số hàng hóa ký kết giao dịch với JVC từ trước năm 2015, tức sau khi Chủ tịch lúc bấy giờ đã bị bắt giữ.
Nói qua về JVC, vấp phải sự cố ngay thời hoàng kim vào những năm 2014-2015, Công ty những năm sau đó tụt dài trong hoạt động kinh doanh, cổ phiếu cũng rơi rớt từ mức vài chục ngàn về chỉ vỏn vẹn chưa đến 3.000 đồng/cp. JVC tính đến nay như một nỗi đau của cổ đông khi tài sản từ hàng ngàn tỷ chỉ còn vài trăm tỷ, lỗ lũy kế của JVC tính đến thời điểm 30/9/2017 vẫn lớn hơn 1.000 tỷ đồng.