Theo kế hoạch, ngày 16/4 tới đây, Vietinbank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 tại Hà Nội. Theo dự thảo tài liệu được gửi đến các cổ đông trước đại hội, HĐQT đề xuất mức thù lao năm 2021 cho các thành viên HĐQT và ban kiểm soát (BKS) bằng 0,31% lợi nhuận sau thuế của năm 2021.
Trước đó, ĐHĐCĐ năm 2020 của Vietinbank cũng phê duyệt tỷ lệ thù lao đối với HĐQT, BKS bằng 0,31% lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, trước diễn biến xấu của đại dịch Covid-19, ngân hàng thực hiện một loạt giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động, trong đó giảm 16,67% mức tiền lương bình quân của người quản lý so với năm 2019, nên lợi nhuận thực hiện năm 2020 của ngân hàng vượt 63,18% so với kế hoạch đề ra, dẫn đến tỷ lệ thù lao thực tế năm 2020 đối với HĐQT và BKS chỉ bằng 0,17% lợi nhuận sau thuế.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ.
Với 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên trong BKS, bình quân mỗi thành viên nhận về 1,87 tỷ đồng thù lao trong năm 2020.Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, năm 2020 Vietinbank đạt gần 13.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh 43% so với năm 2019. Như vậy, tổng mức thù lao cho HĐQT và BKS của ngân hàng trong năm 2020 theo tỷ lệ 0,17% lợi nhuận sau thuế là 22,535 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2020 của Vietinbank diễn ra hồi đầu năm, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20% trong năm 2021.
Trong kịch bản khả quan nhất là mức tăng trưởng lợi nhuận 20% và ĐHĐCĐ thông qua đề xuất mức thù lao bằng 0,31% lợi nhuận sau thuế của năm 2021, ngân hàng có thể sẽ chi tới 49,311 tỷ đồng để trả thù lao năm 2021 cho HĐQT và BKS.
Như vậy, mức thu nhập bình quân của mỗi thành viên có thể lên tới 4,109 tỷ đồng. Tuy nhiên, thù lao của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐQT sẽ cao hơn so với thành viên khác trong HĐQT, và thù lao của thành viên HĐQT thông thường cũng sẽ cao hơn so với mức thù lao của thành viên BKS.