Mỗi tháng 1 vụ kiện
Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương): 7 tháng đầu năm nay, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng).
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 7 vụ việc khởi xướng điều tra mới, thị trường Ấn Độ dẫn đầu với 4 vụ việc, Hoa Kỳ 2 vụ việc, Malaysia 1 vụ việc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018; 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.
Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, trong 7 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đang xử lý 3 vụ việc, trong đó 1 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực (Indonesia hủy bỏ biện pháp áp dụng với tôn lạnh); 2 vụ việc đang trong quá trình tham vấn (chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ và phương pháp tính biên độ trong vụ việc Hoa Kỳ rà soát chống bán phá giá đối với cá tra).
Phát biểu tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Cục PVTM (Bộ Công Thương) sáng nay 9/8, đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay: Việt Nam hiện đã ký kết hàng loạt FTA nên tình hình các thị trường áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam rất cao. Xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng càng nhiều thì biện pháp PVTM càng tăng.
Tại một số thị trường xuất khẩu, hiện nay Việt Nam nằm trong danh sách được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ. Ví dụ, thời gian qua, xuất khẩu sang Canada tăng trưởng mạnh tới 23% nhưng vì thị phần hàng Việt vào Canada dưới 3% nên Việt Nam được miễn áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, với mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao như hiện nay, việc miễn áp dụng biện pháp tự vệ rất khó khăn trong thời gian tới.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin thêm: Lâu nay, ấn tượng vẫn là hàng Việt bị kiện PVTM khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu-châu Mỹ nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay hàng Việt đã phải đối diện với 21 vụ kiện PVTM đến từ khu vực châu Á, nổi lên là từ các thị trường trong khu vực ASEAN, nhất là từ Ấn Độ. Đó là vấn đề rất đáng lưu ý.
Nâng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu
Ông Lê Triệu Dũng-Cục trưởng Cục PVTM đánh giá: Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,… để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của Việt Nam sang tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác.
"Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)...", ông Dũng nói.
Về phía các doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan điều tra của nước nhập khẩu trong suốt quá trình điều tra để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Ví dụ như vụ việc điều tra chống lẩn tránh với thép, hiện nay Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét khả năng chỉ cho phép các doanh nghiệp tham gia trả lời câu hỏi từ đầu được áp dụng cơ chế khai báo để miễn trừ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, đặc biệt để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp PVTM với nước thứ 3.
Khi phát hiện xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam tăng nhanh, nước nhập khẩu có thể tiếp cận theo hướng điều tra chống lẩn tránh, độc lập với điều tra về xuất xứ. Hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao.