Trong năm 2020, lần đầu tiên vị tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani vươn lên và trở thành một trong mười người giàu nhất thế giới. Tài sản của ông Mukesh tăng vọt được như như vậy là nhờ vào tập đoàn mà ông đứng đầu, Reliance Industries Limited đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong thành công của Reliance, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến công ty con của doanh nghiệp này là Jio Platform với hàng loạt những khoản đầu tư khổng lồ từ các quỹ và nhiều "ông lớn" trong ngành dịch vụ kỹ thuật số trên toàn cầu. Vậy tại sao một doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2019 lại thu hút những nhà đầu tư máu mặt đến vậy?
Jio Platforms Limited là một công ty dịch vụ kỹ thuật số của Ấn Độ và là công ty con của Reliance Industries Limited thuộc sở hữu của người giàu nhất nước này, ông Mukesh Ambani. Jio Platforms được thành lập vào tháng 10 năm 2019 sau khi Reliance quyết định thành lập một công ty con quản lý toàn bộ mảng kỹ thuật số và điện tử viễn thông. Công ty sở hữu nhà điều hành mạng di động lớn nhất Ấn Độ Jio và các doanh nghiệp kỹ thuật số khác của Reliance.
Vào ngày 8 tháng 5 năm 2020, Jio Platforms được nhiều tổ chức định giá là công ty Ấn Độ lớn thứ tư theo vốn hóa thị trường; công ty này hiện đang sở hữu khoảng 400 triệu người dùng trả phí cho các dịch vụ trong hệ sinh thái của họ. Hệ sinh thái này bao gồm cả JioTV –TV trực tuyến, JioMoney –tiền kỹ thuật số và thanh toán điện tử, JioMart – hệ thống cửa hàng online…. Với hệ thống sinh thái về ứng dụng đa dạng như vậy được tích hợp trong ứng dụng của hãng, Jio Platforms nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường hơn một tỷ dân tại Ấn Độ và thu hút ánh mắt thèm muốn của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Lượng tiền đầu tư khổng lồ mà các quỹ và công ty công nghệ lớn trên thế giới đổ vào Jio trong thời gian qua (Nguồn data: Jio, đơn vị: tỷ USD)
Phần quan trọng nhất của Jio Platform chính là Jio, công ty về mảng viễn thông di động của hãng. Jio từng thành công với mẫu điện thoại LYF đạt doanh số cao thứ 3 toàn Ấn Độ, và mới đây nhất là mẫu JioPhone – mẫu điện thoại được hãng công bố đã bán ít nhất 40 triệu chiếc với hệ điều hành mới KaiOS. Hơn nữa, cùng với dự báo sẽ chiếm được tới 48% thị phần thuê bao di động của Ấn Độ tính tới 2025, không khó hiểu vì sao Jio là công ty được đánh giá cao nhất trong số các công ty thuộc quyền kiểm soát của JioPlatform.
Thêm vào đó, là công ty cung cấp nền tảng 4G duy nhất của Ấn Độ vào năm 2017, Jio đã thu hút hơn 300 triệu khách hàng trong vòng hơn ba năm. Thành công của hãng này phần lớn nhờ vào chiến lược cung cấp dịch vụ dữ liệu miễn phí trong sáu tháng đầu hoạt động, khi mà phần lớn người dân Ấn Độ vào thời điểm đó đều chưa được tiếp cận với việc truy cập internet tốc độ cao với mức giá rẻ như vậy. Bằng chiến lược miễn phí trong thời gian đầu sử dụng dịch vụ 4G, Jio dễ dàng thu hút rất nhiều người dùng và duy trì nó ở mức ổn định trong những năm tiếp theo.
Với việc cung cấp dịch vụ 4G đầu tiên tại Ấn Độ và miễn phí cho người dùng tới 6 tháng, Jio đã có 300 triệu khách hàng trong vòng 3 năm (Ảnh:TelecomTalk)
Trong bối cảnh dịch Covid hoành hành trong năm nay, hàng triệu người Ấn Độ bắt đầu chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để làm việc và học tập tại nhà cũng như đặt lịch khám bệnh, mua sắm và thanh toán thông qua ngân hàng điện tử. Sự bùng nổ của dịch COVID-19 rõ ràng là một chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình số hóa tại đất nước hơn một tỷ dân này, và nó đem lại cho Jio Platforms cơ hội không thể tốt hơn để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần khi mà nền tảng trực tuyến của họ cung cấp đầy đủ các công cụ để người dân nước này có thể học tập, làm việc cũng như mua bán mà không cần phải tới các địa điểm truyền thống.
Một điều kiện thuận lợi nữa cho Jio đó là việc chính phủ Ấn Độ đã tiến hành lệnh cấm đối với 59 ứng dụng được phát triển từ Trung Quốc, đáng kể nhất là Tiktok - ứng dụng thu hút hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Do đó, người dân nước này lại càng phụ thuộc vào các ứng dụng và nền tảng công nghệ được phát triển trong nước, và Jio hiển nhiên là một trong những lựa chọn hàng đầu của họ. Với quá nhiều lợi thế như vậy, dễ hiểu vì sao rất nhiều hãng công nghệ và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới mong muốn được trở thành cổ đông của Jio Platform.
Việc nhiều ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có Tiktok, bị cấm tại Ấn Độ là thuận lợi lớn cho Jio (Ảnh: HT Tech)
Kể từ tháng 4 năm 2020, Reliance Industries đã huy động được 20.2 tỷ đô la Mỹ bằng cách bán 33% cổ phần trong Jio Platforms cho 13 nhà đầu tư lớn. Gần đây nhất, họ đã huy động được 4.5 tỷ USD từ Google cho 7.73% cổ phần, đưa giá trị của doanh nghiệp lên tới 72 tỷ USD, cao hơn giá trị tất cả các công ty con khác của Reliance cộng lại.
Tỷ trọng nắm giữ của các công ty và quỹ lớn đã đầu tư vào Jio (Nguồn data: Jio)
Những doanh nghiệp đầu tư vào Jio Platforms đều mong muốn hợp tác và cùng phát triển các ứng dụng tích hợp vào hệ sinh thái của hãng nhằm đi sâu vào thị trường còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Ấn Độ. Trong đó phải kể tới Google, khi hãng cho biết họ có kế hoạch cùng phát triển một "điện thoại thông minh giá cả phải chăng" với Jio Platforms và điện thoại này sẽ được tối ưu hóa cho Android và Play Store.
CEO Google, ông Sundar Pichai đánh giá rất cao việc đầu tư vào Jio Platform (Ảnh: Twitter Sundar Pichai)
Bên cạnh Google, Facebook – cổ đông thiểu số lớn nhất của Jio (nắm giữ 9.99% cổ phần), cũng muốn thông qua khoản đầu tư của mình để thay đổi một sự thật khó chấp nhận, đó là họ không kiếm được nhiều tiền tại khu vực châu Á như những vùng khác. Với 400 triệu người sử dụng WhatsApp - ứng dụng nhắn tin toàn cầu của Facebook và 300 triệu người dùng mạng xã hội này tại Ấn Độ, đây là một thị trường không thể bỏ qua của hãng.
Trong nhiều năm, WhatsApp đã xây dựng công cụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến của mình trong khi Facebook cũng tạo ra các cửa hàng kỹ thuật số dành cho giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội của mình. Kết hợp với JioMart – cửa hàng trực tuyến của Jio, Facebook hi vọng sẽ giới thiệu hàng triệu khách hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp người dùng tiếp cận với những sản phẩm của các công ty này và thực hiện thanh toán trực tiếp thông qua WhatsApp một cách liền mạch và tiện lợi. Nếu điều này thành công, Facebook sẽ cùng Jio nắm trong tay một thị trường khổng lồ và còn nhiều dư địa để khai thác, dự kiến mang lại cho họ hàng tỷ đô la Mỹ trong tương lai.
Reliance Industries, tập đoàn thuộc sở hữu của ông trùm Mukesh Ambani với hoạt động kinh doanh cốt lõi là hóa dầu đã có kế hoạch niêm yết Jio Platforms và Reliance Retail, một công ty con khác, trong vòng 5 năm tới đây. Với tốc độ phát triển khủng khiếp cùng lượng đầu tư khổng lồ đang chảy vào Jio trong năm nay, khi công ty này được niêm yết, Mukesh Ambani hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với tỷ phú Jeff Bezos – ông chủ của Amazon hay Mark Zukerberg – nhà sáng lập Facebook trong việc trở thành người giàu nhất thế giới ở tương lai không xa.