Công văn 3629 nêu rõ, việc đổi tên từ TT DN&HTND thành TT HTND&GDNN trên cơ sở Kết luận số 61-KL/TW ngày 3.12.2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27.11.2014 của Quốc hội.
Hội viên, nông dân tỉnh Đắk Lắk tham gia học nghề trồng nấm rơm. Ảnh: Đ.H
Thông qua Công văn 3629, Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trân trọng đề nghị, Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi tên TT DN&HTND thuộc Hội ND các tỉnh, thành phố thành TT HTND&GDNN. Nội dung hoạt động trọng tâm của các TT HTND&GDNN là hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, cán bộ, kinh phí để Trung tâm hoạt động hiệu quả, giúp giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp ủy Đảng, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ và chính quyền các cấp, đến nay đã có 56/63 tỉnh, thành phố bố trí mặt bằng, 35/55 tỉnh, thành phố cấp vốn và 16 TT DN&HTND cấp tỉnh hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nông dân ghi nhận, đánh giá cao. Các TT DN&HTND đã tập trung vào thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ nông dân về vốn, chuyển giao KHKT, cung ứng vật tư, máy nông nghiệp; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân; đào tạo nghề và tham gia giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho nông dân…