“Xét theo tiêu chuẩn của thế giới thì chúng tôi quá tin tưởng vào nhân viên. Nhiều người có thể nói đó là một điểm yếu chết người, nhưng đến nay đó vẫn là bí quyết để lớn mạnh của Berkshire Hathaway”, theo Charlie Munger, phó chủ tịch Berkshire Hathaway và là người bạn chí cốt của Warren Buffett.
Môi trường làm việc “thiên đường”
Giáo sư Munger của Đại học Stanford từng nhận định: “Sự tin tưởng” là một trong những yếu tố tạo động lực mạnh mẽ nhất trong môi trường làm việc.
Và Warren Buffett luôn tin rằng, với một sự giám sát nhỏ nhất định, việc cho phép các nhân viên của mình được tự do hoạt động theo ý muốn sẽ đem lại nhiều giá trị hơn là cứ chăm chăm theo dõi từng hành động và đánh giá kết quả của họ.
Trong một buổi họp với cổ đông, Warren Buffett từng nói: “Trong lúc chúng ta đang ngồi ở đây, có lẽ một nhân viên của Berkshire đang phạm phải sai lầm,”
Nhưng khi cảm thấy phân vân trước quyết định của mình, mọi nhân viên đều nhớ đến nguyên tắc “sống còn” của sếp Warren Buffett: “… Tôi muốn mọi người hãy tự hỏi mình rằng, liệu bạn có muốn hành động tiếp theo sẽ trở thành tiêu đề tờ báo vào ngày mai hay không? Bạn có sẵn sàng để vợ/chồng, con cái của mình đọc được những gì bạn làm thông qua giọng điệu chỉ trích của các nhà báo hay không?”
Cả Munger và Buffett đều thừa nhận văn hóa làm việc như thế sẽ chứa đựng không ít rủi ro. “Chúng tôi chắc chắn sẽ gặp vấn đề nào đó,” Warren Buffett thừa nhận với các cổ đông, ông còn nói thêm: “Bạn không thể bắt tất cả 300.000 người không phạm phải một sai lầm nào được.”
Các nhà quản lý của Berkshire Hathaway thừa biết rằng mỗi khi có vấn đề xảy ra, các cổ đông và giới truyền thông sẽ ngay lập tức đổ lỗi cho việc “thiếu giám sát” mà văn hóa công ty tạo ra.
Nhưng Warren Buffett và các đồng nghiệp của mình tin rằng việc giao phó hoàn toàn cho các nhân viên mà không ràng buộc họ bằng các luật sư và nhân viên giám sát sẽ tạo ra được nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Và mặc dù rất nhiều tập đoàn lớn khác duy trì một lực lượng nhân sự và giám sát dày đặt, số lượng scandal tại các môi trường này vẫn có xu hướng ngày càng tăng, khiến cho dư luận nghi ngờ về hiệu quả của việc này.
“Rất nhiều người nghĩ rằng công ty cần phải có thật nhiều quy trình và bước giám sát – kiểm tra một lần, kiểm ra hai lần và nhiều hơn thế sẽ đảm bảo một kết quả kinh doanh tốt. Nhưng trên thực tế là Berkshire đã và đang phát triển mạnh mẽ mà không cần dựa vào quy trình. Chúng tôi thậm chí còn không tổ chức các buổi kiểm toán nội bộ cho đến khi bị bắt buộc. Berkshire Hathaway hoạt động dựa trên lòng tin của mọi người và chỉ cẩn thận khi lựa chọn những người để tin tưởng.” Trích lời ông Munger tại một buổi họp tài chính thường niên tại Wesco.
Một nghiên cứu gần đây của hai giáo sư tại trường Đại học Zurich hoàn toàn ủng hộ lý thuyết trên của Munger và Warren Buffett: “Mọi người sẽ nghĩ rằng theo dõi và giám sát sẽ dẫn đến hiệu quả cao cho công việc. Tuy nhiên, trên thực tế thì sự giám sát chặt chẽ sẽ có ảnh hưởng không tốt tới chất lượng công việc, đặc biệt là nó tạo ra một động lực làm việc “giả tạo” cho nhân viên.”
Khi Warren Buffett được hỏi về sai lầm tính toán của Bank of America (nơi ông là một cổ đông lớn) đã tính sai số vốn đang có, gây rất nhiều hiểu lầm và sụt giảm uy tín của cả hệ thống, Warren Buffett trả lời “Sai lầm của họ không có gì là nghiêm trọng cả.” Rất nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích tài chính chỉ trích rằng sai lầm trên là đến từ việc quản lý lỏng lẻo của công ty, nhưng Warren Buffett chỉ bình thản trả lời “Họ đã làm tốt nhất có thể rồi.”
Tại sao Warren Buffett lại có vẻ không quan tâm đến lỗi sai nghiêm trọng như thế? Bởi vì ông cực kỳ tin tưởng các nhân viên tại Bank of America, và ông chắc chắn rằng lỗi lầm này sẽ không bị lặp lại và công ty sẽ sớm khôi phục lại danh tiếng của mình.
Nhưng văn hóa đó cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa
“Hệ thống tin tưởng của Warren Buffett cho đến nay đã đem lại một kết quả tốt hơn hẳn các công ty với hệ thống giám sát và pháp lý phức tạp.” Theo David F. Larcker, giáo sư tại Đại học Stanford. Ông chia sẻ thêm: “Rủi ro lớn nhất trong việc áp dụng hệ thống này nằm ở việc lựa chọn nhân sự phù hợp.”
Vào một buổi thuyết giảng tại Stanford vào những năm 90, giám đốc Berkshire Hathaway đã nói: “Hầu hết mọi người trên thế giới sẽ làm điều sai trái nếu (a) việc đó rất dễ thực hiện và (b) họ nghĩ rằng sẽ không có ai có thể phát hiện ra. Và một khi họ đã “nhúng chàm”, hành động đó có thể gây nghiện và trở thành một thói quen hằng ngày.”
Đặc biệt là với ngành tài chính và đầu tư như Berkshire Hathaway, các công ty trong lĩnh vực này thường sở hữu một nội bộ rất phức tạp với nhiều tai tiếng. “Gần như không thể kiềm chế được nếu như hằng ngày bạn làm việc giữa một đống tiền,” theo ông Munger.
Và Berkshire không hẳn là chưa bao giờ gặp scandal. Chỉ mới vài năm trước, Warren Buffett đã phải sa thải một trong những quản lý cấp cao của mình là David Sokol, khi người này lợi dụng thông tin nội bộ của công ty để đầu tư sinh lợi cho cá nhân. Warren Buffett cũng từng điêu đứng khi General Re, một công ty bảo hiểm trực thuộc tập đoàn Berkshire, đã cấu kết với Tập đoàn American International để giả mạo chứng từ bảo hiểm khống. General Re sau đó đã bị chính phủ phạt tới 92,2 triệu USD.
Gần 9 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, niềm tin tại thị trường tài chính gần như hoàn toàn biến mất, nhưng bất chấp mọi luận điệu truyền thông, Warren Buffett và Berkshire Hathaway vẫn tiếp tục tin tưởng nhân viên mình và vững vàng tồn tại qua bao nhiêu sóng gió.