Doanh nhân nổi tiếng trong công đồng startup Việt - Hùng Trần (sáng lập kiêm CEO công ty Got-it - một startup đã qua nhiều vòng gọi vốn, được định giá hàng chục triệu USD ở Mỹ) đã nói như vậy khi bàn đến sự khác biệt giữa Tết của người Việt ở Việt Nam và những công dân khác đang ở tại Hoa Kỳ.
Được biết nhiều năm qua, anh vẫn thường về Việt Nam đón Tết cùng bố mẹ, anh chị em. Nhưng năm nay khi dịch bùng lên, chuyện đón Tết của anh có gì khác hơn mọi năm?
Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi được đón Tết trọn vẹn ở Việt Nam. Nhiều năm qua, nếu được về Việt Nam đón Tết thì tôi chỉ ở đây tối mùng 1 và đến chiều mùng 2 lại bay về Mỹ.
Năm nay vì dịch bệnh, nên tôi sẽ về quê ở Nam Định đón Tết cùng bố mẹ, tuyệt đối không tham gia hoạt động ở bên ngoài, kể cả việc tụ tập, gặp gỡ bạn bè hay đi lễ chùa, lễ Tết….
Và đây cũng là lần đầu, tôi đón Tết không trọn vẹn vì phải xa vợ con. Thực ra, tôi rất muốn đưa cả gia đình cùng về Việt Nam, nhưng vì hai con nhỏ còn đang theo học ở bên đó, nên việc di chuyển sẽ rất ảnh hưởng tới các con.
Hiếm có dịp được đón năm mới trọn vẹn ở quê nhà, nhưng lại có nhiều điều không trọn vẹn như thế, anh cảm thấy thế nào?
Cả một năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Hơi đen một chút là gần Tết Nguyên đán thì dịch lại bùng lên. Tất nhiên, như thế cũng sẽ mất vui, nhưng dù sao cũng sướng hơn ở Mỹ rất nhiều.
Vì người Mỹ vẫn đang phải cố thủ ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi có việc vô cùng đặc biệt. Nếu tính đến đầu tháng 3, họ đã phải “trốn trong hang ổ cuối cùng” tròn một năm rồi. Chuyện đó nếu mà gọi là đi tù thì cũng không hề sai!
Ngay cả dịp Tết Dương lịch vừa qua, chỉ có một vài gia đình quen biết nhau sâu sắc, chắc chắn không có nguy cơ nhiễm bệnh mới dám tụ tập lại cùng tổ chức ăn uống.
Tất nhiên, ở Mỹ cũng có hai trạng thái đối lập. Một bên thì vô cùng sợ hãi, một bên lại bất cần. Có những người không sợ, họ vẫn đi chơi, số lượng đó cũng khá lớn. Vì vậy, Chính phủ Mỹ mới gần như bó tay, không thể kiểm soát được dịch bệnh, và hoàn toàn trông chờ vào vắc-xin.
Cá nhân tôi thuộc lại “nhát chết” (cười). Vì vậy, khi mới về Việt Nam, tôi rất sốc. Buổi sáng đầu tiên khi tỉnh dậy ở khu cách ly, tôi mở cửa sổ nhìn xuống đường, thấy mọi người đi lại như bình thường, thậm chí còn không đeo khẩu trang, tôi đã không dám tin vào mắt mình. Tôi phải dụi mắt mấy lần xem mình có nhìn nhầm không hoặc sợ là mình đang mơ ngủ.
Phải mất một thời gian, tôi mới hết sốc và dần quen với điều đó. Đến giờ thì dù tôi tự thấy mình “liều” hơn trước, nhưng vẫn luôn luôn đeo khẩu trang, và chỉ dám bỏ ra khi đã ở trong một không gian của riêng mình. Bởi vì cảnh tượng ở Mỹ làm tôi quá sợ hãi và chưa thể thực sự yên tâm.
Chỉ mình anh sốc như vậy, hay nhân viên của anh ở Mỹ và Ấn Độ cũng phản ứng như thế nếu họ được tận mắt thấy những gì đang diễn ra ở Việt Nam?
Hàng tuần, nhân viên của toàn công ty ở Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam vẫn họp video với nhau. Nói thêm một chút là sau khi dịch bùng lên, nhân viên ở Mỹ của tôi đã không chỉ còn tập trung ở bang California (nơi có trụ sợ công ty), mà di chuyển đến rất nhiều tiểu bang khác nhau. Việc di chuyển như vậy, chủ yếu giúp họ tiết kiệm chi phí.
Và tất cả những người rải rác ở trên khắp nước Mỹ ấy, những người ở Ấn Độ cũng đều rất ghen tỵ với các bạn ở Việt Nam.
Mỗi lần video call, chỉ riêng việc thấy mọi người ở bên này vẫn “đàn đúm”, nói chuyện, khoác vai bá cổ nhau thôi thì họ đã vô cùng ghen tỵ rồi.
Vợ con anh ở Mỹ sẽ đón Tết thế nào?
Mọi người không thể đi mua sắm và chỉ gọi đồ online giao về tận nhà. Mấy mẹ con đã gói một chiếc bánh chưng, sẽ cho vào nồi áp suất hầm để có chút không khí Tết cổ truyền.
Bây giờ, tôi cũng rất nhớ bọn trẻ. Mặc dù ngày nào cả nhà cũng nói chuyện qua video call, nhưng đó chỉ là phần nào thôi. Hai đứa nhỏ rất bám bố mà tôi lại ở xa như vậy thì nhớ vô cùng!
Anh đã có kế hoạch quay lại Mỹ, đoàn tụ với mọi người hay chưa?
Bây giờ mà quay lại Mỹ thì rất nguy hiểm, vì tôi có thể bị nhiễm bệnh ở trên đường. Toàn bang California thậm chí đã hết sạch giường bệnh. Các bệnh viện đều quá tải. Tôi sợ là, nếu không may mình lây bệnh thì có thể sẽ không còn ai chữa trị cho mình nữa.
Tôi vẫn đang xem xét tình hình và dõi theo từng thông tin về dịch bệnh ở cả hai nước: Việt Nam, Mỹ. Nếu trường hợp rủi ro thấp nhất, tôi sẽ quay lại Mỹ, đoàn tụ với gia đình nhỏ. Hoặc nếu không, tôi sẽ phải chờ đến khi được tiêm vắc xin.
Hiện tại, dù không thể ở bên vợ và các con, nhưng điều quan trọng hơn là cả nhà đều khỏe mạnh. Thà tôi duy trì tình huống này, còn hơn để một ai đó không may “bị Covid tấn công”. Nếu thế, mọi thứ sẽ xoay ngược theo chiều hướng mà mình không thể lường trước. Có thể nói, chúng ta đang sống trong tình huống rất bấp bênh, và sinh mạng mỗi người là vô cùng mong manh.
Sống trong một tình huống như thế, điều anh mong mỏi nhất trong năm mới Tân Sửu sẽ là gì?
Có lẽ không chỉ cá nhân tôi, mà 7 tỷ người trên toàn thế giới luôn mong đại dịch này qua đi, được khống chế hoàn toàn, hoặc mọi người sẽ được tiêm vắc xin
Tôi nghĩ, dịch Covid-19 giống như một hồi chuông cảnh báo vậy. Nó minh chứng rằng, thế giới chưa biết nhiều thứ như họ nghĩ. Con người gần như đều bị động trước đại dịch. Trong khi đó, nhiều công trình nghiên cứu do vợ chồng tỷ phú Bill Gates tài trợ đã chỉ ra, đại dịch sẽ luôn quay lại.
Theo tôi, có lẽ chúng ta phải suy nghĩ về việc cần thay đổi như thế nào đó để luôn giữ được thế chủ động. Bởi vì việc có một đại dịch khác xảy ra đã gần như là điều không thể tránh khỏi. Nếu con người không thay đổi mà vẫn sống hồn nhiên, thì khi dich xảy ra, họ sẽ phải trả giá.
Ở Việt Nam, chúng ta mới giãn cách xã hội 31 ngày thôi mà bao nhiêu công ty phá sản. Nếu cứ mấy năm lại có một đợt dịch như vậy, nền kinh tế làm sao phát triển?
Tôi nghĩ, mọi người ở Việt Nam có cơ hội như bây giờ thì nên trân trọng và phải rất biết ơn đội ngũ chống dịch, nhất là Ban chỉ đạo của Chính phủ vì họ làm việc rất vất vả.
Ví dụ như chỗ chung cư 88 Láng Hạ có người nhiễm, họ đã phải thức trắng cả đêm xét nghiệm hết rồi thực hiện cách ly. Tôi rất muốn cảm ơn những con người đã hy sinh, đã cực kỳ vất vả để cho những người khác được hưởng lợi.
Cá nhân tôi cũng luôn biết ơn tổ quốc và những con người như thế.
Tôi thực sự mong dịp năm mới, mọi người sẽ luôn cẩn trọng để bản thân không bị nhiễm bệnh. Xa hơn, chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ để tìm ra cách sống chung với lũ, trong tình cảnh tương lai ngày càng trở nên bất định.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Hùng Trần (tên thật là Trần Việt Hùng) - là một doanh nhân Việt tại Mỹ.
Anh nổi tiếng trong cộng đồng startup khi dẫn dắt Got-it vượt thành công nhiều vòng gọi vốn và vẫn đang phát triển tốt giữa bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ.
Hùng Trần từng là thành viên trong Tổ Tư vấn Giáo dục của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.