Theo thống kê của R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, từ năm 2015 đến năm 2022, số lượng golfer tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, từ 25.000 người lên khoảng 100.000 người và dự kiến đạt khoảng 300.000 người vào năm 2025.
Thông tin được đưa ra bởi ông Bùi Đức Long – Cổ đông sáng lập VGS Hidden Castle, Chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư VGS Invest chia sẻ tại lễ ký kết đầu tư và ra mắt mô hình nhượng quyền của chuỗi golf công nghệ tại Việt Nam.
“Con số thống kê trên cho thấy sự quan tâm cũng như là nhu cầu của người Việt với bộ môn golf đang ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, cả nước hiện có chưa đến 100 sân golf ngoài trời, điều này cho thấy sự thiếu hụt sân chơi dành cho cộng đồng golf Việt”, ông Long nói.
Do đó, việc đưa chuỗi golf công nghệ VGS Hidden Castle theo ông nhằm đáp ứng được nhu cầu lớn hiện nay, xa hơn sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp golf Việt Nam so với thế giới. Hiện, VGS Hidden Castle được đầu tư bởi VGS Invest, một quỹ đầu tư về lĩnh vực golf kết hợp với EastBridge Partners – quỹ đầu tư tài chính của Singapore và Risemount Group. Hiện, VGS Hidden Castle được quản lý và vận hành bởi J-Golf Academy – Công ty đào tạo golf chuyên nghiệp của Hàn Quốc.
Riêng tổ hợp câu lạc bộ golf công nghệ đã có mặt trên nhiều quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia… và lần đầu về Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền. Theo kế hoạch đề ra, VGS Hidden Castle sẽ mở rộng hướng đến mục tiêu 100 câu lạc bộ golf khắp Việt Nam trong vòng 5 năm tới, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.
Về thị trường, Việt Nam được giới chuyên gia đánh cao trong thị trường du lịch golf đầy tiềm năng. Trong chia sẻ mới nhất, Chủ tịch Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO) đánh giá nhờ vào lợi thế thiên nhiên, vị trí địa lý… Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành một điểm đến du lịch golf đứng đầu châu Á. Với đặc trưng địa hình có tới 3/4 diện tích đồi núi và đường bờ biển kéo dài, Việt Nam có lợi thế trong phát triển ngành du lịch golf.
Thống kê bởi CLB R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, tính đến cuối năm 2019 Việt Nam có tổng cộng 78 sân golf đã đi vào hoạt động và 43 sân khác đang trong giai đoạn hoàn thiện, đứng đầu trong Top 209 quốc gia có triển khai loại hình thể thao được mệnh danh là dành cho giới “siêu giàu” này.
Những cái tên tiêu biểu phải kể đến chuỗi sân golf thuộc FLC Group, Vinpearl Golf Club, Kings’ Island Golf, Sea Links Golf & Country Club (Mũi Né, Phan Thiết), Laguna Lăng Cô Huế, Đà Nẵng Golf Club….
Dù vậy, tham gia sân chơi muộn, Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các tên tuổi lớn trong khu vực về cả số lượng sân và lượt du khách du lịch. Nếu Việt Nam có 78 sân golf thì Thái Lan dẫn đầu với hơn 300 sân, Malaysia hơn 230 sân và Indonesia gần 160 sân golf. Không những vậy, các nước láng giềng còn ghi nhận lượt khách khổng lồ: Thái Lan 9% số khách đến du lịch trên tổng 35 triệu lượt khách, Malaysia theo sau với 2% trên tổng 25 triệu lượt khách, Việt Nam chỉ có 0.8% trên 15 triệu lượt khách.
Nhìn chung, ngành golf và du lịch golf vẫn còn là khái niệm mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh golfer gia tăng theo tốc độ tăng của thu nhập bình quân và giới thượng lưu, thị trường đang mở ra một cơ hội lớn cho các đơn vị kinh doanh trong ngành khi nguồn cung hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.