Kẻ mở đường mộng mơ kể chuyện 10 năm làm ví
Khởi đầu là một startup với sản phẩm là ứng dụng trên sim cung cấp dịch vụ Nạp tiền điện thoại, hôm nay công ty MService, đơn vị sở hữu Ứng dụng Ví MoMo công bố ví điện tử này đã đạt dấu mốc 20 triệu khách hàng, tăng trưởng 40 lần trong 5 năm.
Nếu đầu năm 2015, lượng người dùng Ví MoMo ở mức 500.000 người dùng, năm 2019 đạt mốc 10 triệu thì đến năm 2020, con số này nhảy vọt gấp đôi, chạm mốc 20 triệu vào đầu tháng 9/2020.
"Thị trường hiện nay đang tiến rất nhanh, nhanh hơn so với những gì chúng tôi kỳ vọng, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Điều này nhờ vào các chính sách quyết liệt thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ngân hàng đã tham gia thay đổi thói quen của người tiêu dùng", ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo chia sẻ.
Con số 20 triệu người dùng không chỉ có ý nghĩa đặc biệt với MoMo mà còn là tín hiệu khả quan của ngành Fintech đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam - quốc gia được đánh giá có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng smartphone, và mạng xã hội với gần tỉ lệ thâm nhập internet ở mức hơn 60% (theo Báo cáo Kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google năm 2019).
Nhìn lại chặng đường từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Mạnh Tường, phó Chủ tịch HĐQT, đồng Tổng giám đốc công ty chia sẻ: "10 năm qua, đã nhiều lần chúng tôi tự nghi ngờ bản thân về những việc mình làm, đặt câu hỏi xã hội này có cần ví điện tử không, ví điện tử để làm gì. 10 năm trước Việt Nam chưa có khái niệm fintech, chúng tôi đầu tiên phải thuyết phục bản thân, thuyết phục đối tác, khó nhất là ngân hàng. Hồi đó ngân hàng nhìn Momo giống đối thủ hơn là đối tác, Momo đã phải mất 2-3 năm để có thể kết nối với một ngân hàng và giờ đây MoMo đã hợp tác với 25 NHTM trong và ngoài nước.
Cái quý giá nhất trong 10 năm vừa rồi là tạo ra niềm tin mạnh mẽ về sứ mệnh mình làm, tạo ra sự thay đổi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, thay đổi về thói quen của người dùng Việt Nam, chuyển thành niềm tin vững chắc".
"10 năm qua là giai đoạn chúng tôi xây đường băng, hệ sinh thái cho ngành fintech Việt Nam. Giờ đây không chỉ có MoMo mà còn có những doanh nghiệp khác cất cánh thành công, tôi tin chắc rằng ngành fintech Việt Nam với MoMo là một trong những người tiên phong sẽ bay cao hơn, xa hơn để cùng phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội ".
Ra mắt Siêu ứng dụng giúp các tiểu thương có thể bán hàng và thanh toán trực tuyến
MoMo xuất phát từ ước mơ ban đầu của những người sáng lập, sử dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống con người Việt Nam. Quý IV/2020, MoMo cho ra mắt Siêu ứng dụng trên nền tảng ví điện tử, giúp các đối tác giải bài toán về doanh thu và chi phí thông qua công nghệ. Đặc biệt, MoMo tạo điều kiện cho các đối tác nhỏ bé, đơn lẻ (như các tiểu thương, người bán hàng rong, các công ty khởi nghiệp,...) có thể "Go-online" để bán hàng và thanh toán trực tuyến.
"Chúng tôi đang phát triển hệ thống siêu ứng dụng để trở thành "CTO", "CFO" hay nói cách khác là "bộ não" về công nghệ và tài chính của hệ thống bán lẻ và dịch vụ Việt Nam trong tương lai. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc số hóa. Đó cũng là chiến lược quan trọng của MoMo trong thời gian tới. Siêu ứng dụng sẽ là nền tảng hữu hiệu giúp bất kỳ đối tác nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được tập người dùng hàng chục triệu khách hàng của Ví MoMo", ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết thêm.
Ông Thái Trí Hùng, Phó TGĐ phụ trách công nghệ (áo đen)
Ông Vũ Thành Công, Phó Tổng Giám Đốc, phụ trách Sản Phẩm MoMo cho biết, "quan trọng nhất của super app phải phục vụ khách hàng và doanh nghiệp đủ lượng và chất, số lượng dịch vụ phải nhiều, số lượng khách hàng và doanh nghiệp phải đủ lớn, lên đến hàng triệu doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn phải có hàng trăm nghìn dịch vụ có thể triển khai được trên MoMo. Khi đó hệ thống nền tảng sản phẩm công nghệ phải cấu trúc khác để đáp ứng sự phát triển rất nhanh. Chúng tôi có một câu là nếu làm dịch vụ gì không có 1 triệu khách hàng 1 tháng thì phải xem xét lại, phải xem bài toán lớn.
Về chất, MoMo từ trước đến nay chỉ có bài toán payment, chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, thanh toán hoá đơn, chúng tôi loay hoay đi kết nối thanh toán và phục vụ cho đối tác thanh toán có nhu cầu sử dụng không tiền mặt, 2 năm gần đây khi doanh nghiệp đủ lớn chúng tôi phát triển tính năng sâu hơn, như mua vé xem phim, mua vé máy bay, donation trực tiếp trên app. Trong kế hoạch tương lai chúng tôi sẽ xây dựng tính năng đem lại giá trị sâu hơn cho cả khách hàng và doanh nghiệp".
Mục tiêu 50 triệu người dùng
Tham vọng của MoMo là tiếp cận 50 triệu người dùng Việt Nam. Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch kiêm đồng Tổng giám đốc của MoMo, trải nghiệm khách hàng là chỉ tiêu được đặt lên trên hết. Mục tiêu là số lượng khách hàng hạnh phúc, sự hạnh phúc của khách hàng sẽ là sự lan toả, tạo ra các khách hàng mới.
"Trong đợt Covid vừa qua, tài sản của founder của nền tảng Zoom đã tăng 4 tỷ USD chỉ trong vài tháng, với công nghệ, mọi thứ đều có thể thay đổi trong 1 đêm, khi chất đổi thì lượng đổi. MoMo có 1.000 nhân viên thì một nửa là IT, chúng tôi có một group chat đặt lên là "Happy user", anh em đã quen với việc nửa đêm bị gọi về sản phẩm. Anh em bị ám ảnh với câu chuyện trải nghiệm khách hàng, làm sao để khách hàng hạnh phúc và hài lòng với sản phẩm. Nên tôi cho rằng nếu làm tử tế, thì câu chuyện 30 triệu user, 50 triệu user chỉ là vấn đề thời gian.", ông Tường chia sẻ.
Là môt sản phẩm của "Trí tuệ Việt, dành cho người Việt", ví điện tử MoMo còn tích cực tham gia vào quá trình số hóa các dịch vụ công của chính phủ thông qua viêc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại hàng ngàn bệnh viện, trường học, tuyến xe bus, khu chung cư. Ví MoMo cũng triển khai thành công việc thanh toán dịch vụ hành chính công tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và được vinh dự là ví điện tử đầu tiên được lựa chọn để kết nối vào cổng Dịch vụ công quốc gia. Giờ đây, khách hàng có thể nộp thuế, thanh toán phí phạt giao thông, thanh toán hơn 1.000 dịch vụ hành chính công thông qua ví MoMo.