Kinh doanh bền vững lên ngôi, các chỉ số và báo cáo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) theo đó trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp. Sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như những thay đổi về chính sách công đồng nghĩa với việc các Công ty đang phải đối mặt với áp lực mới để đo lường, công bố và thực thi.
Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, đại diện Mondelez Kinh Đô tại sự kiện mới đây cho biết ESG sẽ được đo lường qua 3 tham số, gồm:
Thứ nhất, bao bì đóng gói: Công ty đã có cam kết rõ ràng về lộ trình 100% bao bì có thể tái chế đến năm2025. Đến nay, Mondelez Kinh Đô cho biết đã đạt được 98% mục tiêu.
Thứ hai, nguyên liệu bền vững: Đây thực tế là cam kết toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
Thứ ba, giảm khí thải cacbon: Hiện, Mondelez đang vận hành 2 nhà máy tại Bình Dương và Hưng Yên, một trong những hành động phục vụ tiêu chí này là 100% dùng năng lượng từ mặt trời áp mái.
Báo cáo ngành thức ăn nhẹ của Tập đoàn cho thấy, người tiêu dùng ngày càng gắn kết các giá trị sống với quyết định mua sắm. Họ tìm hiểu kỹ công ty sản xuất, nắm vững nguồn gốc, thành phần sản phẩm mình lựa chọn. Hơn 85% người tiêu dùng trên thế giới cho biết họ muốn mua hàng của đơn vị thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Một nghiên cứu của ESI Insights for World Animal Protection thực hiện cũng ghi nhận 67% người dùng ưu tiên phúc lợi động vật khi mua sắm thực phẩm. Riêng nhóm khách hàng Millennials (18-35 tuổi), con số này lên đến 83%.
Do đó, tiếp nối chiến lược ESG, nhãn hàng Solite thuộc Công ty vừa công bố sản phẩm bánh bông lan kem bơ sữa Solite Nature Fresh, trong đó sử dụng 100% trứng từ gà nuôi thả (cage-free eggs). Với động thái này, Mondelez Kinh Đô nhấn mạnh trở thành công ty sản xuất thực phẩm đầu tiên sử dụng nguyên liệu trứng gà đạt chuẩn theo chương trình chăn nuôi nhân đạo HFAC toàn cầu (Humane Farm Animal Care) và Solite Nature Fresh cũng là dòng bánh đầu tiên dùng nguyên liệu là trứng gà nuôi thả (gà nhân đạo) tại Việt Nam.
“Thực chất đây mới là kế hoạch thử nghiệm và Mondelez cũng muốn tiên phong về dòng nguyên liệu là gà nuôi thả tại Việt Nam. Do đó, để có thể đưa ma mức dự đoán đi nhanh đến bước nào Công ty cần phải đo lường lại. Tầm 6 tháng sau, chúng tôi sẽ có rà soát lại sự đón nhận từ thị trường”, đại diện Công ty nói.
Bởi, thực tế thì thị trường dòng sản phẩm này ở Việt Nam chưa cao, và khách hàng chưa sẵn lòng trả giá cao hơn cho sản phẩm khác biệt. So với thế giới, Mondelez tại Bắc Mỹ đã dùng 100% gà nuôi thả cho dòng bánh bông lan của mình, tại Mỹ và châu Âu thì tỷ lệ cũng gần như hoàn toàn. Việt Nam dù còn khá sớm, song cũng bắt đầu có bước chuyển tích cực về chuỗi cung ứng, đây là cơ sở Mondelez thấy rất đáng để thực hiện từ bây giờ, nhằm nâng tỷ lệ dùng gà nuôi thả lên càng nhiều càng tốt.
Mondelez hiện là công ty sản xuất thức ăn nhẹ có mặt ở 150 quốc gia, quy mô doanh số vào mức 29 tỷ USD (năm 2021). Tại Việt Nam Tập đoàn gây đình đám với thương vụ mua lại thương hiệu Kinh Đô (từ doanh nhân Trần Lệ Nguyên) vào năm 2016.
Theo kế hoạch, sản phẩm mới này sẽ được bán từ tháng 12/2022 trên các kênh TMĐT, hệ thống siêu thị Co.op, Bách Hoá Xanh, BigC, AEON và Lotte. Mức giá được biết cao gấp đôi so với sản phẩm Solite hiện tại. Mondelez quan điểm đây là chiến lược thử nghiệm, do đó Công ty muốn đưa vào các kênh đại trà nhằm giúp người dùng tiếp xúc gần với sản phẩm nhiều hơn.
Nuôi gà nhân đạo: 6.000 con nhưng phải có đến 110.000 ổ đẻ, sào đậu dài 1.000m, sân chơi…
Về đầu vào, hiện trứng gà được Mondelez Kinh Đô lấy từ nhà cung cấp Vĩnh Thành Đạt. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ HFAC (Mỹ cấp cho công ty) về sản phẩm trứng gà nuôi thả. Hiện, Vĩnh Thành Đạt đang nuôi 6.000 con gà nhân đạo với sản lượng đâu đó 7.000 trứng.
So với công suất trứng hiện nay của Công ty là 700.000 quả thì số lượng trứng gà nhân đạo còn rất thấp. Giá bán trên từng quả trứng bán ra đâu đó cao hơn 40% giá thông thường. Vĩnh Thành Đạt không chỉ cung cấp cho Mondelez Kinh Đô, mà còn là các khách sạn 5 sao như Sofitel, Fusion (Hà Nội), chuỗi Pizza 4Ps… Công ty cũng đã lên lộ trình hướng tới xuất khẩu.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết: “Thực tế gà nhân đạo vẫn nuôi ở trạng thái cũ, chỉ thêm vào thiết bị để mật độ không quá đông và đặc biệt là thêm sân chơi (bao gồm sào đậu, cát để bới… đúng với tập tính tự nhiên của gà) để đảm bảo phúc lợi động vật. Hiện, Chính phủ Việt Nam cũng có chính sách khuyến khích chăn nuôi kiểu này, không chỉ gà mà cả cho các loại gia cầm khác như heo… Lộ trình đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt khoảng 20% sản lượng chăn nuôi theo hướng nhân đạo”.
Nói là vậy, song về phía người chăn nuôi, đại diện Vĩnh Thành Đạt cho biết thực tế để làm được không hề dễ. “Công ty đã mất hơn 1 năm để có được chứng nhận HFAC, và chứng chỉ sẽ tái cấp định kỳ hàng năm. Quy trình cấp cũng rất khó khăn, đơn cử yêu cầu phải xây trại mới hoàn toàn, không thể sử dụng trại cũ. Chưa kể, với 6.000 con thí điểm hiện nay chúng tôi phải có đến 110.000 ổ đẻ, sào đậu theo quy định dài 1.000m, sàn phải lót trấu (vỏ lúa phơi khô) để gà bươi, có khay thức ăn thức uống riêng…”, đại diện nói. Còn về thức ăn đầu vào cho gà, Vĩnh Thành Đạt được biết đang lấy từ đối tác, và dĩ nhiên phải đạt được tiêu chuẩn về chất lượng (không gồm kháng sinh).
Về ngành chăn nuôi gà hiện nay, năm 2019 Việt Nam có 77 triệu gà đẻ trứng với sản lượng 8,2 tỷ trứng, hàng ngàh cơ sở từ quy mô gia đình đến quy mô doanh nghiệp. Trong đó, nuôi gà không dùng chuồng lồng được xem là bước tiến của ngành, bao gồm Việt Nam. Gà được di chuyển tự do và có khả năng thể hiện các tập tính cũng được các tổ chức nhân đạo và người tiêu dùng hưởng ứng.