Quy hoạch điện VIII được xây dựng cùng yêu cầu phù hợp với các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh và đồng bộ với quy hoạch các ngành kinh tế khác, nhất là quy hoạch các ngành hạ tầng kinh tế.
Tuy nhiên, hiện có thực tế là nhiều quy hoạch khác đang trong quá trình xây dựng, thậm chí chưa được triển khai. Điều này khiến cho EVN lo lắng về những khó khăn trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII sau này.
Theo EVN , Dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện không đưa ra được đánh giá về nguồn năng lượng sơ cấp, tỷ trọng nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu cho sản xuất điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và các vấn để liên quan đến nhập khẩu nhiên liệu (LNG, than nhập khẩu...) như khả năng nhập khẩu, hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Trong phần phát triển lưới điện, do quan điểm xây dựng Quy hoạch điện VIII đang chú trọng tới "linh hoạt", "mở", để tuỳ tình hình thực tế có những bổ sung mới mà không bị vướng vào các thủ tục hành chính phức tạp, mất thời gian nên các nguồn điện tiềm năng đều được xem xét đưa vào. Song chính sự đưa vào nguồn năng lượng tái tạo quá lớn nên khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải tương ứng trong Dự thảo cũng trở nên rất lớn do được thiết kế đồng bộ với nguồn điện tiềm năng.
Theo EVN, điều này có thể dẫn tới tình huống, khi các dự án nguồn "tiềm năng" không được triển khai nhưng các công trình lưới điện liên quan đã được đầu tư và ngược lại. Kết quả này là sự lãng phí lớn.
Bên cạnh đó, các chi phí đầu tư này sẽ dồn hết vào giá thành sản xuất điện, tạo áp lực lên việc tăng giá bán điện tới các hộ tiêu dùng cuối cùng, trong khi việc điều chỉnh giá điện trên thực tế luôn gặp phải sự bức xúc của xã hội.
Cũng với tính chất "mở" của Quy hoạch , nhiều công trình nguồn, lưới điện tuy có tên nhưng lại chưa xác định vị trí. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến công tác thỏa thuận, thu hồi đất gây ra kéo dài thời gian thực hiện dự án so với mong muốn đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.
EVN lo lắng về những khó khăn trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII sau này.
Trước đó, khi thực hiện Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách (Quyết định 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005, Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013).
Những cơ chế đặc thù này đã giúp cho ngành điện triển khai ngay được nhiều công trình điện trọng điểm, góp phần đảm bảo cung cấp điện trong suốt thời gian qua.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi "với khối lượng đầu tư rất lớn được liệt kê trong Quy hoạch điện VIII có cần không những cơ chế đặc thù để có thể triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án? Nhất là trong bối cảnh nhiều Luật mới được sửa đổi bổ sung, chưa có nghị định hướng dẫn, nhiều nội dung còn chồng chéo và bị chi phối bởi nhiều Luật, Nghị định hướng dẫn.
Đơn cử, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, việc lựa chọn nhà đầu tư vào dự án điện sẽ phải thực hiện thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các dự án điện trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các dự án hiện tại đang lập Báo cáo tiền khả thi hay Báo cáo khả thi nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều này có thể thấy rõ ở hàng loạt dự án điện LNG đã được bổ sung quy hoạch tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Quảng Ninh hay Quảng Trị... đang chờ hướng dẫn quy trình và các cơ quan hữu trách đã liên tiếp họp vài cuộc trong khoảng 3 tuần qua nhưng vẫn phải tiếp tục chờ.
Theo đó, EVN cho rằng, cần thiết phải có ngay, thống nhất các quy định cụ thể trong nguyên tắc lựa chọn, xác định nhà đầu tư nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ các công trình điện đang trong giai đoạn triển khai.
Nhìn nhận câu chuyện cơ chế bảo lãnh Chính phủ cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) có thể không còn được áp dụng khiến các dự án nguồn điện trong tương lai sẽ chủ yếu được thực hiện theo hình thức Nhà máy điện độc lập (IPP), EVN cũng cho rằng, cần thiết có các cơ chế điều chỉnh phù hợp đối với các dự án BOT đã giao chủ đầu tư và đang thực hiện đàm phán.
Trên thực tế, nhiều dự án điện BOT có thời gian đàm phán đã gần cả chục năm, nhưng vẫn chưa đi đến kết thúc và bây giờ phải áp dụng các luật mới từ năm 2021.
Bên cạnh đó, việc bổ sung lượng lớn các dự án nguồn nhiệt điện và LNG mà chủ yếu sẽ do các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nươcs như trong Dự thảo khiến EVN cho rằng, "cần thiết có cơ chế mua điện phù hợp nhằm đảm bảo rủi ro cho các nhà đầu tư thay cho hình thức BOT trước đây, đảm bảo duy trì thu hút vốn đầu tư vào nguồn điện".
Đối với các dự án lưới điện, EVN cũng kiến nghị, chỉ đấu thầu lưới điện đấu nối đi kèm các dự án nguồn (đấu thầu chung với các dự án nguồn), chứ không đấu thầu các dự án lưới truyền tải có tính chất xương sống/liên kết trong hệ thống điện nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống, an ninh cung cấp điện.
Đây cũng là điều cần phân định rõ ràng bởi đường dây và trạm biến áp 500 kV hiện được xem là công trình an ninh quốc gia, nên có những đối xử đặc biệt. Tuy nhiên, gần đây đã có những đề xuất được đầu tư các công trình này đến từ doanh nghiệp tư nhân nhằm truyền tải hết sản lượng điện từ các dự án có quy mô công suất lớn của họ.
Như vậy, các đường dây và trạm biến áp cấp 500 kV này chỉ mang tính chất là đường gom, chứ không phải là đường truyền tải xương sống của hệ thống điện quốc gia. Vì vậy, cách phân biệt và quy định cần phải rành mạch để vừa đảm bảo an ninh hệ thống, vừa kêu gọi được vốn đầu tư từ xã hội.