Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) - nói:
- Khi sức khỏe nền kinh tế bị ảnh hưởng, cần phải có những liều thuốc "đủ đô" để cứu và giải pháp phải cấp bách, kịp thời để tránh những hệ lụy của hiệu ứng domino.
Những biện pháp cần cân bằng được cả ngắn lẫn dài hạn. Xử lý ngắn hạn nhưng đừng gây tổn thương cho tương lai bởi mỗi DN là một tế bào kinh tế, nhiều DN bị tổn thương sẽ tác động đến cả thị trường, đến vĩ mô và tương lai của sự phát triển.
Cấp cứu là phải 24/24 giờ
* Những bất ổn của thị trường hiện tại là hệ lụy của một chặng đường dài trong huy động vốn, trong quản lý thị trường và kể cả tác động của những cú "phanh gấp" trong chính sách. Đây là thời điểm cần một cuộc "đại phẫu"?
- Hiện nay tình trạng có thể như đang "sốc thuốc", cần những chính sách phù hợp với sức khỏe thị trường. Trước mắt, thị trường cần vốn bởi những khó khăn như trái phiếu, room ngân hàng hay thanh khoản thị trường. Thị trường bất động sản (BĐS), có những doanh nghiệp (DN) đã hạ giá 30 - 40%, thậm chí 50% có nghĩa là giá các sản phẩm chưa hợp lý trước đó.
Cần phải có một cuộc đại phẫu, phụ thuộc vào cả hai phía, đó là Nhà nước hỗ trợ DN, còn những DN đang bệnh cũng phải phối hợp, kê khai sao cho đàng hoàng, tử tế để được cứu chữa.
Giải pháp đầu tiên là làm sao để có dòng tiền trở lại, giúp những DN là những tế bào còn sống, sắp đáo hạn có các giải pháp xử lý, tránh những rủi ro. Mẫu số chung như các DN, hiệp hội và các cơ quan nhà nước đã đề xuất là cần xem xét nới room tín dụng trong từng trường hợp cụ thể, kịp thời.
Tôi cho rằng cần có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét tế bào nào còn sống thì bơm vốn để cứu.
Ví dụ trái phiếu đã nằm ở chỗ khác nhưng DN vẫn còn tài sản thì phải xem xét hỗ trợ. Còn phía DN cũng phải nỗ lực cứu mình, như các DN đã tái cấu trúc, đã cắt giảm nhân sự, mời các công ty hàng đầu về kiểm toán vào cuộc để thể hiện thiện chí, sự minh bạch...
* Chính phủ đã thành lập ba tổ công tác để tháo gỡ những bất ổn của thị trường tài chính, trái phiếu, BĐS..., thời điểm này các DN mong đợi gì ở các tổ công tác?
- Cấp cứu là 24/24 giờ. Do đó, tổ công tác không chỉ là nắm thực tế, ra chủ trương mà phải đi vào hành động, phải có những nhóm công tác đến các DN, địa phương. Tuy vậy, cũng cần phải có ưu tiên về mặt chiến lược, ví dụ mốc thời gian đáo hạn của mỗi DN khác nhau hay đánh giá các dự án...
Với những tế bào tốt, vẫn có thể sống, có khả năng về thương mại, thanh khoản nhưng chỉ vướng về thủ tục, pháp lý thì cần rốt ráo xử lý cho đến nơi đến chốn để hỗ trợ về mặt thủ tục, sau đó đến vốn.
Dự án thiếu gì thì chúng ta yêu cầu bổ sung, đừng để cứ kiểm tra thấy có vi trùng trong tế bào là lại bỏ. Đồng thời, đây là cơ hội để các DN "đại phẫu" và tái cấu trúc chứ cũng đừng giấu bệnh tình.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai
Kinh tế tư nhân là tương lai của đất nước nên đây là giai đoạn cần hỗ trợ, cứu những tế bào kinh tế tương lai.
Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI
Càng chậm, giá phải trả càng lớn
* Ông là người sâu sát với các DN, điều mà các DN cần nhất lúc này là gì, ngoài tiền?
- Họ cần giải pháp, nhưng bên cạnh giải pháp phải có chương trình hành động. Khi nào có hành động mới thay đổi tình huống khó khăn. Chúng ta không thể đòi hỏi thể chế toàn mỹ, hành lang pháp lý chặt chẽ, nhưng chúng ta mong đợi sự tiến bộ trong sự thay đổi quản trị, đặc biệt là thể chế.
Khi thể chế chưa hoàn thiện, cần mạnh dạn quản lý theo mục tiêu, có nghĩa những điều chưa tốt đẹp thì mạnh dạn thay đổi. Những sự thay đổi càng chậm, cái giá phải trả càng lớn.
Ví dụ mới đây nhất, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TP.HCM, tiếp tục thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đây cũng là một điểm sáng, một dư địa về mặt thể chế để các địa phương như TP.HCM tiếp tục có thêm tiềm lực hỗ trợ DN.
Những phạm vi giải quyết được từ địa phương, từ các bộ ngành đến Chính phủ có thể giải quyết được thì mạnh dạn giải quyết và cái gỡ đầu tiên là về thủ tục.
Ví dụ ngay lĩnh vực đầu tư công, có 197 dự án được TP.HCM kêu gọi đầu tư trong năm 2022 với tổng số vốn gần 950.000 tỉ đồng nhưng trên thực tế vướng đủ điều về thể chế. Chúng ta có tài nguyên, cơ hội và thương hiệu nhưng do về thể chế, luật pháp chưa phù hợp với đặc thù của TP, khiến thu hút chậm lại, thậm chí mất cơ hội.
Ngay cả với DN tư nhân cũng vậy thôi, khi càng kéo dài, dự án BĐS càng chậm, giá càng cao, đội giá do DN đã đền bù, chôn dòng tiền trong đó nhưng chưa thể triển khai khiến hiệu quả giảm sút. DN bị "hố" trong tính toán dòng tiền kéo theo những hệ lụy dây chuyền.
Về ngắn hạn, việc giải quyết về cơ chế sẽ đem tới một liều thuốc rất hiệu quả để giải quyết cho tế bào sống, còn về lâu dài phải giải quyết về thể chế, chính sách. Bài học xương máu là nếu công cụ, chính sách, chủ trương phù hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển và ngược lại.
Cần cứu những tế bào kinh tế
* Vào 2008, Mỹ đã cứu thị trường tài chính. Nhiều nước hiện nay cũng hỗ trợ DN, Việt Nam nên tư duy thế nào?
- Mỹ cứu các ngân hàng ngoài lý do đó là một tế bào trong nền kinh tế còn có lý do là cứu cả thị trường tài chính, nền kinh tế thời điểm đó để tránh các hệ lụy domino.
Còn ở Việt Nam hiện tại, rõ ràng BĐS liên quan trực tiếp với 35 ngành nghề khác, từ người lao động, chuỗi giá trị, thị trường vật liệu, nhà thầu... thậm chí là cuộc sống của người dân đối với những người đã mua sản phẩm trong dự án.
Do đó, cứu BĐS là cứu thị trường vốn, cứu nền kinh tế chứ không đơn thuần xem đó là giải cứu một ngành nghề.
Hiện nay có xu hướng đáng lo ngại là thị trường trái phiếu đang chứng kiến khối ngoại mua ròng kỷ lục. Trong khi đó, có những nhà đầu tư nước ngoài dù tài chính không nhiều nhưng đã gặp riêng tôi, hỏi cách để mua lại những tài sản, vốn hóa của các DN nội.
Rõ ràng với những nhà đầu cơ, trước đây họ phải bỏ ra 10 đồng thì bây giờ chỉ cần 5, thậm chí 3 đồng để thôn tính. Về mặt kinh tế không trách được nhưng đây là cơ hội cho những nhà đầu tư ngoại cũng đáng suy ngẫm.
* Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc:
Cần những giải pháp đặc biệt
Cái khó của DN hiện nay không chỉ là ở vốn mà cả pháp lý, thủ tục và thể chế... nên tất cả những khó khăn này cần phải có một bước ngoặt trong tháo gỡ, xử lý, tránh để DN đơn độc, rơi vào tay những tập đoàn nước ngoài.
Thể chế là quan trọng nhất khi thủ tục hành chính vẫn là vướng mắc lớn nhất mà nếu tháo gỡ được sẽ là biện pháp khơi thông nguồn lực tốt nhất cho DN. Hiện tắc về pháp lý, thủ tục nên các dự án khó vận hành bình thường, thậm chí mất cơ hội.
Nếu không có các giải pháp cấp tốc, đặc biệt, một loạt DN Việt sẽ phải rời khỏi thị trường, đó là tổn thất nặng nề cho nền kinh tế. Đây không phải là lúc các cơ quan co cụm vào vùng an toàn cho mình, sợ sai. DN không thể đơn độc chống chọi lại những khó khăn của thị trường mà cần sự đồng hành của cơ quan chính quyền.