Mộng thế kỷ của ông Tập nguy nan: TQ ngừng chi tiền, nhiều con nợ "bỏ của chạy lấy người"

23/11/2021 15:42
Uganda đã từ chối đem số dầu chưa khai thác ở các mỏ phía Tây ra cam kết để vay nợ cho tuyến đường sắt.

Phía sâu trong vùng thung lũng tách giãn của Kenya, các thành viên trong nhóm Dịch vụ Thanh niên Quốc gia không ngừng quăng dao phát quang đám bụi rậm um tùm đang cản trở đường ray tàu hỏa cũ kỹ đã hơn trăm tuổi.

Kenya không còn đủ tiền để tiếp tục thi công tuyến đường sắt siêu tốc kéo dài 1.000km từ cảng Mombasa tới Uganda. Dự án đứt gánh giữa chừng, tuyến đường nằm dở dang ở vùng nông thôn, cách biên giới 468km và giờ nước này phải tìm cách hoàn thiện lộ trình bằng cách sửa lại những đường ray xây từ hồi thuộc địa Anh thế kỷ 19.

Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay hàng trăm tỉ USD, một phần trong sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI). Tuy nhiên, tiền đã cạn từ vài năm nay.

Trung Quốc không còn rộng tay mở ví

Ngoài những tổn thất mà Trung Quốc và các chủ nợ gặp phải do Covid-19, các nhà phân tích cho rằng có một số yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng "giảm tốc", như Bắc Kinh không còn mặn mà với các khoản đầu tư nước ngoài khổng lồ, tình trạng sụt giảm giá trị hàng hóa và một số con nợ chần chừ trước những thỏa thuận cho vay dính tới tài nguyên thiên nhiên.

"Chúng ta không còn ở giai đoạn bùng nổ nữa", Adam Tooze, nhà sử học của Đại học Columbia nhận định, "Chắc chắn phía Trung Quốc có động thái tái cân bằng".

Đầu tư của Trung Quốc ở 138 nước trong khuôn khổ BRI đã giảm 54% từ 2019 xuống còn 47 tỉ USD vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi sáng kiến được khởi động năm 2013 - Trung tâm phân tích Green BRI cho hay.

Tại châu Phi, nơi có 40 quốc gia tham gia BRI, kinh phí cho các dự án hạ tầng từ ngân hàng Trung Quốc giảm từ 11 tỉ USD (2017) xuống còn 3,3 tỉ USD (2020) - theo báo cáo của công ty luật quốc tế Baker McKenzie.

Mộng thế kỷ của ông Tập nguy nan: TQ ngừng chi tiền, nhiều con nợ bỏ của chạy lấy người - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt dang dở của Kenya. Ảnh: Reuters

Đây là một tin không vui đối với chính phủ những nước đang trông chờ vào các khoản vay Trung Quốc để xây cao tốc, đường sắt kết nối tới cảng biển hoặc các tuyến thương mại tới châu Á, châu Âu. Toàn lục địa đang đối mặt với một khoản thâm hụt đầu tư hạ tầng thường niên ở vào khoảng 100 tỉ USD, theo Ngân hàng Phát triển Châu Phi.

"Dịch bệnh thực sự khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Những con số ấy sẽ còn tăng", Chủ tịch ngân hàng Akinwumi Adesina nói.

Sự trì hoãn đã ảnh hưởng tới nhiều dự án BRI khác khắp châu lục, bao gồm cả tuyến đường sắt 3 tỉ USD của Nigeria và tuyến cao tốc 450 triệu USD ở Cameroon.

Giới chức Bắc Kinh khẳng định hai phía có mối quan hệ hợp tác cùng có lợi và quy trình cho vay được thực hiện minh bạch, công khai.

"Khi đưa ra các khoản vay không lãi suất, vay ưu tiên, chúng tôi đã cân nhắc toàn bộ tình huống nợ, cũng như khả năng hoàn trả của các nước châu Phi và làm việc đúng theo pháp luật", Zhou Liujun, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc nói.

Một quan chức Trung Quốc khác cho biết, Bắc Kinh luôn có ý định tiến hành BRI một cách từ từ để kiểm soát nguy cơ vỡ nợ của các nước hoặc các dự án.

Khủng hoảng Covid-19

Quan chức ở Kenya cho biết, tuyến đường sắt của họ là dự án dài hạn và sẽ trở nên rõ nét qua thời gian. "Rồi cuối cùng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn sẽ hoàn thành bởi đó là một phần của cái mà chúng ta gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường", Bộ trưởng Giao thông Kenya James Macharia nói.

Chính phủ Kenya đã chi khoảng 5 tỉ USD cho tuyến đường sắt mới và hiện tại không còn đủ 3,7 tỉ USD cần có để hoàn thiện dự án. Muốn đến nhà ga cuối cùng đã được dựng thì chỉ có cách đi qua các con đường đất.

Vì lẽ đó, những kỹ sư ở thung lũng không còn xây công trình mới nữa, mà tìm cách gia cố cầu đường có từ thời thuộc địa trong một dự án mà chính phủ ước tính sẽ chỉ tiêu tốn khoảng 10 tỉ shilling (91 triệu USD).

Chuyện này đã gây ra phản ứng dây chuyền. Ở phía bên kia biên giới, tại Uganda, công trình đường sắt hiện đại cũng bị đình chỉ bởi nó dự kiến kết nối với chặng ở Kenya.

Đó là yếu tố gây trì hoãn trong việc phân bổ khoản vay 2,2 tỉ USD từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank), phát ngôn viên Dự án Đường sắt Khổ Tiêu chuẩn của Uganda - David Mugabe - tiết lộ với Reuters.

Tại Nigeria, chính phủ đã phải quay sang ngân hàng Standard Chartered để tìm nguồn kinh phí cho dự án đường sắt 3 tỉ USD - vốn ban đầu dự kiến do Trung Quốc hỗ trợ.

Tại Cameroon, cao tốc trị giá 450 triệu USD nối thủ đô Yaounde với trung tâm kinh tế Douala đã bị ngừng từ 2019 sau khi Exim Bank Trung Quốc ngừng giải ngân theo gói vay.

Mộng thế kỷ của ông Tập nguy nan: TQ ngừng chi tiền, nhiều con nợ bỏ của chạy lấy người - Ảnh 2.

Khủng hoảng Covid-19 gây nhiều trở ngại. Ảnh: Reuters

Học giả Zhou Yuyuan (Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải) cho rằng khủng hoảng Covid-19 đã gây áp lực lớn với các cơ quan cho vay của Trung Quốc, cũng như tình hình tài chính của châu Phi.

Ông Zhou nhận định, trong tương lai, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ khuyến khích thêm đầu tư từ các tập đoàn Trung Quốc. "Khi đại dịch qua đi, kinh tế của châu Phi chắc chắn sẽ phục hồi", ông Zhou nói, "Điều đó sẽ thúc đẩy đầu tư từ các tập đoàn Trung Quốc".

Không thể đem dầu gán nợ!

Covid-19 đã gây thêm nhiều trở ngại cho "dự án thế kỷ" của ông Tập. Sau khi đạt đỉnh với 125,25 tỉ USD hồi 2015, đầu tư Trung Quốc vào các nước BRI mỗi năm một giảm, ngoại trừ 2018.

AidData, trung tâm nghiên cứu của Đại học William and Mary (Mỹ), đã công bố nghiên cứu cho thấy 11,58 tỉ USD trong các dự án ở Malaysia đã bị hủy trong giai đoạn 2013-2021, tại Kazakhstan là gần 1,5 tỉ USD, còn ở Bolivia là hơn 1 tỉ USD.

"Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước thu nhập vừa và thấp quyết định ngừng thực hiện các dự án BRI trọng điểm do tình trạng đội chi phí, tham nhũng và lo ngại về bền vững nợ", nhà nghiên cứu Brad Parks nói.

Trong đó, theo Reuters, bền vững nợ là một vấn đề chủ chốt.

Zambia đã trở thành nước đầu tiên ở châu Phi bị vỡ nợ vì dịch Covid-19 sau khi không theo kịp lộ trình hoàn trả hơn 12 tỉ USD nợ quốc tế. Một nghiên cứu gần đây cho thấy quá nửa số này là từ các chủ nợ Trung Quốc.

Một số quốc gia châu Phi cũng chần chừ trước các khoản vay liên quan tới những mặt hàng như dầu mỏ, kim loại.

"Chúng tôi không thể thế chấp dầu mỏ của mình", Bộ trưởng Giao thông Uganda Katumba Wamala nói với Reuters. Ông Wamala cho biết, Uganda đã từ chối đem số dầu chưa khai thác ở các mỏ phía Tây ra cam kết để vay nợ cho tuyến đường sắt.

Yvette Babb, quản lý của công ty tài chính William Blair, cho rằng, chính phủ các nước châu Phi phải đưa ra những quyết định đầu tư chiến lược hơn liên quan tới bền vững nợ.

"Vốn đâu phải là vô hạn", Babb nói.

Tin mới

Phát hiện sà lan chở khoảng 570 tấn hàng giống phân bón không rõ nguồn gốc
3 giờ trước
Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang tiến hành xác minh, xử lý một phương tiện chở hàng trăm tấn hóa chất giống phân bón mang nhãn hiệu nước ngoài, không có hóa đơn, nguồn gốc, xuất xứ.
Giá xe máy bất ngờ thủng đáy: Honda Vision thấp nhất 29 triệu đồng, Honda SH, Lead, Yamaha Janus… giảm tối đa 25 triệu
3 giờ trước
Hàng loạt các mẫu xe máy hot đến từ Yamaha và Honda ghi nhận mức giảm giá kịch sàn nhằm thu hút người mua.
PewPew xin khách hàng cho quán bánh mì thêm 1 cơ hội, ai cũng khen ông chủ quá khéo léo
3 giờ trước
Sau khi khai trương cơ sở bánh mì ở Hà Nội, PewPew đã bất ngờ đăng tải video gửi lời cảm ơn và xin lỗi tới mọi người.
"Khách sộp" ở Hà Nội vừa mua và thuê hơn 3.000 xe điện VinFast, trong đó có nhiều xe VF3, là ai?
4 giờ trước
Công ty này vừa cho ra mắt một hãng taxi điện mới tại Hà Nội.
Mẫu điện thoại Trung Quốc lọt "top 10 bán chạy nhất thế giới": Giá dưới 3 triệu đồng
4 giờ trước
Mẫu điện thoại giá rẻ này đã xuất sắc lọt top 10 smartphone bán chạy liên tiếp trong quý 2 và quý 3 năm 2024 nhờ giá phải chăng và thông số kỹ thuật ấn tượng.

Tin cùng chuyên mục

Khách VIP của Thế Giới Di Động sướng thế nào: dán màn hình chỉ mất 10.000đ, vệ sinh máy lạnh giá 30.000đ, thay lọc nước 20.000 đồng dịp cuối năm này
1 ngày trước
Đây là những ưu đãi trong chương trình tri ân đặc biệt của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 1 triệu khách hàng thân thiết dịp cuối năm này.
Hàng 'made in China' trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế mạnh tay - Quốc gia nào dễ trở thành 'thủ phủ' sản xuất iPhone?
1 ngày trước
Quốc gia châu Á này có thể được hưởng lợi lớn trong các lĩnh vực như điện tử, đặc biệt là sản xuất iPhone.
Giá USD hôm nay 12/11: Thế giới đạt đỉnh 4 tháng, "tỷ giá" chợ đen tăng 50 đồng
2 ngày trước
Giá USD hôm nay 12/11 trên thế giới tăng phi mã, vượt ngưỡng 105 điểm. Trong nước, giá USD ngân hàng bán vẫn bám sát mức trần được nhà nước cho phép; tỷ giá "chợ đen" tăng 50 đồng, hiện đang ở mức 25.570 - 25.670 VND.
Điện máy tung "bình mới rượu cũ"
3 ngày trước
Mới đây, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động tiếp tục tung ra chính sách "mua trả chậm", được cho là bước tiến mới của mua trả góp.