Quyết định áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu của tổng thống Donald Trump tạo nên làn sóng phản đối quyết liệt từ nhiều nước trên thế giới. Một số lãnh đạo nước ngoài đe dọa sẽ trả đũa nếu thép, nhôm của họ bị tăng thuế tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên châu Á- khu vực sản xuất hơn 2/3 tổng lượng thép thế giới sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn so với các đối tác còn lại của Mỹ, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody.
"Tại châu Á, những ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế vĩ mô sẽ rất nhỏ do lượng thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ thường chỉ chiếm ít hơn 1% GDP hoặc kim ngạch xuất khẩu", Moody nhận định.
Ảnh: CNBC
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế này cho biết thêm "những tác động trực tiếp lên các công ty sản xuất thép châu Á hoàn toàn có thể kiểm soát được".
CEO của "gã khổng lồ" thép Nhật Bản Nippon Steel- công ty sản thép lớn thứ 2 thế giới về sản lượng, cho rằng ông Trump sẽ phải "hối hận" về quyết định của mình. Hôm thứ sáu tuần trước, cổ phiếu hàng loạt công ty thép châu Á chịu áp lực bán tháo. Điển hình, cổ phiếu của Posco (Hàn Quốc) giảm 3% trong khi đó cố phiếu của Nippon Steel cũng giảm 4%.
"Ngay cả đối với Hàn Quốc- với lượng thép xuất khẩu sang Mỹ lớn, mức độ ảnh hưởng mà các công ty Posco và Hyundai Steel phải chịu cũng khá khiêm tốn".
Tuy nhiên, Moody cho rằng tác động của luật tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm còn phụ thuộc vào quy mô cũng như năng lực sản xuất của các công ty có đủ lớn để giảm chi phí nhằm bù đắp khoản thuế bị tăng hay không.
Moody dự đoán, Canada và Bahrain là 2 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng năng nề nhất từ lệnh tăng thuế chứ không phải Trung Quốc.
Điều này có vẻ đối lập với mục đích của ông Trump trong việc gây áp lực đối với nền kinh tế Trung Quốc khi ông liên tục cáo buộc nước sản xuất thép lớn nhất thế giới bán phá giá tại Mỹ. Thực tế, Trung Quốc lại không nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thép sang Mỹ (chỉ xếp thứ 11 theo đánh giá của Cục Quản lý Thương mại Quốc tế).
Thay vào đó, lệnh tăng thuế sẽ tác động mạnh tới các nước đồng minh của Mỹ trong đó có Canada, Mexico. Thép của các nước này lần lượt chiếm 16% và 9% lượng thép Mỹ nhập khẩu. Những điều khoản khác của sắc lệnh, trong đó có cả các trường hợp ngoại lệ, có thể được đưa ra trong tuần tới.
Moody cho rằng việc lượng thép xuất khẩu sang Mỹ giảm có thể khiến các công ty chuyển hướng sang thị trường khác, từ đó cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
Nhiều chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ trả đũa bằng việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong đó có nhiều mặt hàng nông sản.
Theo phương án tăng thuế đề xuất thể theo mục 232 Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962, Mỹ sẽ áp mức thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm nhập khẩu. Thép nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm 30% tổng lượng thép trong nước.
Tuy nhiên, Moody cảnh bảo về dài hạn lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu có thể gây tổn hại đến mối quan hệ thương mại toàn cầu, phụ thuộc vào vào cách các nước phản ứng và đáp trả lại như thế nào.