Ngoài ra, khả năng sinh lời cũng gia tăng nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô lạc quan và sự tăng trưởng của thu nhập cốt lõi.
Ngược lại, vốn của ngân hàng lại suy giảm vì tài sản của ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng và các ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Thêm vào đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng cũng suy yếu khi ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay nợ nhạy cảm với thị trường – chủ yếu là khoản vay mượn từ các ngân hàng khác – để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bằng các nguồn vốn ngắn hạn giá rẻ.
“Trong năm 2018, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lời, trong khi vốn hóa sẽ suy giảm”, Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch và Chuyên viên Tín dụng Cấp cao của Moody’s, cho hay.
“Tuy nhiên, hồ sơ tín dụng của các ngân hàng có tấm đệm an toàn vốn cao hơn và rủi ro tài sản thấp hơn sẽ trở nên ngày càng cách biệt với những ngân hàng khác”, Rebaca Tan, Chuyên gia phân tích tại Moody’s, nhận định.
Bài phân tích của Moody’s được thể hiện trong báo cáo vừa mới công bố có tên là “Banks — Vietnam: 2017 results show widening divergence in asset quality and profitability performance” (tạm dịch: “Ngân hàng Việt Nam: Kết quả năm 2017 cho thấy sự cách biệt ngày càng lớn về chất lượng tài sản và khả năng sinh lời”).
Về vấn đề chất lượng tài sản, Moody’s cho biết chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện trong năm 2017 là nhờ thu hồi các tài sản có vấn đề và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng như tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ có vấn đề ở 14 ngân hàng được Moody’s đánh giá giảm xuống 5.7% tại cuối thời điểm năm 2017, từ mức 6.7% trong năm trước đó.
Đáng chú ý, đã có 4 ngân hàng tất toán xong hết trái phiếu đặc biệt của VAMC, và Moody’s kỳ vọng việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ còn tiếp tục trong năm 2018.
Tỷ lệ trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu cũng được cải thiện, mặc dù vẫn ở mức được xem là yếu theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Moody’s cho hay chất lượng tài sản của 14 ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện thêm trong năm 2018 nhờ hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quá nhanh có thể che lấp hết rủi ro về tài sản.
Về khả năng sinh lời, Moody’s chỉ rõ tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân tăng từ 0.7% (năm 2016) lên 0.9% trong năm 2017. Khả năng sinh lời sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018, nhờ vào những yếu tố đã thúc đẩy khả năng sinh lời trong năm 2017, cụ thể là điều kiện kinh tế vĩ mô lạc quan và tăng trưởng về thu nhập cốt lõi.
Về phần vốn hóa, tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông trên tổng tài sản trung bình của 14 ngân hàng giảm xuống 5.5% trong năm 2017, từ mức 5.7% hồi năm 2016, do sự suy yếu của các ngân hàng quốc doanh.
Tuy nhiên, nền tảng vốn của một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, HOSE:VPB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank, HOSE: HDB) cũng đã mạnh hơn thông qua việc bán cổ phần mới.
Qua đó, Moody’s kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng Việt Nam tăng vốn bằng cách phát hành cổ phần mới trong năm 2018. Tuy nhiên, tổng mức vốn vẫn còn đang chịu áp lực trước tăng trưởng tín dụng và việc chi trả cổ tức trong vòng 12 tháng tới.
Moody’s giải thích rằng về phần huy động vốn, khả năng huy động vốn của 14 ngân hàng giảm nhẹ, như được thể hiện thông qua tỷ số dư nợ tín dụng trên vốn huy động trung bình trên toàn hệ thống, cụ thể tỷ số này tăng lên 86% trong năm 2017, cao hơn một chút so với mức 85% hồi năm 2016. Xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2018 vì tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức cao.