Không giống như cuộc khủng hoảng thế chấp nhà ở tại Mỹ hơn 1 thập kỷ trước, không ai có thể dự đoán đầu năm 2020 sẽ xuất hiện một đại dịch có khả năng tàn phá nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu. Và không giống như một cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà hoạch định chính sách kinh tế và y tế cộng đồng cũng bị hạn chế khả năng ứng phó với một đại dịch giống như thảm họa Cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Hàng loạt các chỉ số đã đồng loạt giảm mạnh khi virus corona mới reo rắc sự sợ hãi trên toàn thế giới. Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát và hoành hành, cũng là quốc gia có ảnh hưởng quá lớn với các hoạt động công nghiệp trên toàn cầu.
Chỉ số giá kim loại công nghiệp do Moody’s thống kê đã giảm mạnh 7,1% kể từ khi virus mới xuất hiện, trong đó giá đồng giảm 10,4%, niken giảm 8,7%, thiếc giảm 8,2%, kẽm giảm 7,3%, nhôm giảm 3,5%. Ngày 29/1, chỉ số giá kim loại cơ bản - phong vũ biểu thể hiện sức khỏe hoạt động sản xuất trên toàn thế giới - đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2017, thấp hơn cả khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc lên tới đỉnh điểm.
Hiện tại tâm trạng bất ổn đang bao trùm kinh tế Trung Quốc, và trong khi số lượng các ca nhiễm ở cả Trung Quốc và nước ngoài tiếp tục tăng lên, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Lịch sử cho thấy sau khi 1 dịch bệnh được kiểm soát thì các hoạt động kinh tế thường sẽ hồi phục, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta sẽ sớm đạt đến điểm này. Hầu hết các ca nhiễm là ở Trung Quốc, nhưng Hồng Kông, Australia, Mỹ, Canada, Đài Loan và Hàn Quốc nằm trong số các nơi có bệnh nhân và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Lệnh hạn chế du lịch được đưa ra đúng thời mùa cao điểm du lịch của người Trung Quốc, điều này ảnh hưởng mạnh đến các nước láng giềng thường đón một lượng lớn khách Trung Quốc dịp Tết nguyên đán như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Dữ liệu từ văn phòng du lịch Macao cho thấy trong ngày 26/1 (ngày thứ 3 của kỳ nghỉ), lượng khách TQ năm nay giảm 80% so với cùng ngày năm ngoái. 80% nguồn thu của Macao đến từ kinh doanh casino và cá cược.
Ngành bán lẻ của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chi tiêu của hộ gia đình đóng góp khoảng 40% GDP Trung Quốc. Nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Disneyland và Vạn lý trường thành đã bị đóng cửa, rạp chiếu phim cũng đóng cửa và một vài sự kiện tập trung đông người bị hủy.
Vũ Hán là trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc. Thành phố 11 triệu dân là nơi có rất nhiều nhà máy ô tô, thép và điện tử. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, các lao động được nghỉ làm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các dịch vụ vận tải công cộng như tàu, xe bus, máy bay tạm dừng hoạt động cũng làm gián đoạn cả đời sống và hoạt động sản xuất.
TTCK Trung Quốc vẫn đóng cửa từ ngày 23/1 đến nay, và Shanghai Composite đã giảm 2,8% trước khi đóng cửa, tệ nhất từ trước đến nay đối với trong ngày giao dịch cuối trước khi nghỉ Tết.
Moody's cũng đưa ra nhận định về kinh tế Hồng Kông. Vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và sau đó là các cuộc biểu tình kéo dài, giờ nền kinh tế này lại tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh do virus corona. Khi dịch SARS bùng nổ tại chính Hồng Kông năm 2003, nền kinh tế này bị ảnh hưởng trong khoảng 6 tháng, khiến hoạt động bán lẻ và du lịch sụt giảm mạnh, TTCK và cả tăng trưởng GDP cũng lao dốc.
Tham khảo Moody's