Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa công bố báo cáo "Triển vọng Hệ thống Ngân hàng Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện hỗ trợ cho triển vọng ổn định".
Ông Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch và Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody’s cho biết, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam mạnh mẽ và chất lượng tài sản của các ngân hàng tại đây sẽ tiếp tục cải thiện, giúp tăng cường khả năng sinh lời.
Trong khi đó, Rebeca Tan, một chuyên gia khác của Moody's lưu ý rằng rủi ro tài sản với các ngân hàng Việt vẫn còn rõ rệt sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh, các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến Việt Nam dễ bị tác động bởi đà giảm tốc của hoạt động thương mại
Trong báo cáo, Moody’s đã thay đổi triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "tích cực" sang "ổn định". Điều này được dựa trên 6 đánh giá về môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (cải thiện), vốn (ổn định); tài trợ và thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và hiệu quả (cải thiện); và sự hỗ trợ của chính phủ (ổn định).
Với môi trường hoạt động, Moody’s cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng. Moody’s kỳ vọng tăng trưởng GDP thực của Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước cao nhất trong khu vực Asean với mức 6,7% năm 2018 và 6,5% năm 2019 nhờ vào khả năng cạnh tranh, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Tăng trưởng tín dụng sẽ ở vào khoảng 16% năm nay, thấp hơn mức 20% năm 2017, khi chính phủ muốn kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Về chất lượng tài sản, Moody’s cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ sớm cải thiện chất lượng tài sản trong 12-18 tháng tới, bởi vì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ cải thiện khả năng trả nợ của người đi vay và cho phép các ngân hàng đẩy nhanh hơn việc xóa bỏ tài sản có vấn đề.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong những năm gần đây có thể dẫn đến sự suy giảm chất lượng tài sản khi các khoản vay mới đáo hạn, mặc dù tình trạng này khả năng không xảy ra trong giai đoạn đánh giá triển vọng của Moody là trong 12-18 tháng tới.
Vốn của các ngân hàng được kỳ vọng tương đối ổn định. Việc kiểm soát chặt tăng trưởng tài sản sẽ làm giảm áp lực lên vốn của các ngân hàng, trong khi khả năng tạo vốn nội bộ tiếp tục được cải thiện cùng với khả năng sinh lời tại hầu hết các ngân hàng được xếp hạng.
Huy động vốn đầu vào sẽ ổn định khi tăng tưởng cho vay chậm lại. Moody’s chỉ ra rằng tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng khá mạnh mẽ, làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nhạy cảm với thị trường, chẳng hạn như vay liên ngân hàng. Khi tăng trưởng cho vay điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng tiền gửi, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng sẽ được duy trì ổn định.
Đối với lợi nhuận, các ngân hàng sẽ cho thấy khả năng sinh lời tốt hơn khi lãi suất tiếp tục được cải thiện nhờ đẩy mạnh cho vay phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, chi phí tín dụng được kỳ vọng giảm khi các ngân hàng giảm lượng tài sản có vấn đề.
Moody’s cho rằng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng khi cần thiết, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ thanh khoản và giãn nợ từ NHNN.
Moody’s cũng đánh giá tín nhiệm cho 16 ngân hàng Việt Nam – vốn chiếm 61% tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng tại cuối năm 2017. Trong đó, 3 ngân hàng – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, B1 ổn định, b2), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, B1 ổn định, ba3) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, B1 ổn định, b1) – do Chính phủ kiểm soát. Còn 13 ngân hàng còn lại là ngân hàng TMCP do tư nhân sở hữu.