Ngày 8/11/2018, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã điều chỉnh triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam thành mức “ổn định” từ mức “tích cực”.
Về hành động này, nhiều người cho rằng Moody’s đã có sự nhìn nhận kém tích cực hơn về hệ thống ngân hàng Việt Nam, thể hiện sự sút giảm so với trước đây. Thực ra, vấn đề ở đây hết sức bình thường và logic, hoàn toàn không có gì nói lên rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam đang kém (tích cực) đi.
Trước tiên, cần lưu ý rằng trong vòng 2 năm qua, 2017-2018, Moody’s đã có 3 lần điều chỉnh liên quan đến hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Lần thứ nhất là vào ngày 31/10/2017. Trong lần này, Moody’s nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng lên thành mức "tích cực" từ mức "ổn định". Thời điểm đó, 15 ngân hàng thương mại Việt Nam mà Moody’s tiến hành đánh giá tín nhiệm có mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất là B1, bằng với hạn tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Lần thứ hai Moody’s có hành động đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là vào ngày 14/8/2018. Trong lần điều chỉnh này, Moody’s nâng hạng tín nhiệm một loạt trong số 14 ngân hàng mà tổ chức này xếp hạng.
Cụ thể, Moody’s nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi nội tệ, ngoại tệ, và nhà phát hành cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank và BIDV và 5 ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước gồm ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank. Moody’s cũng nâng hạng tín nhiệm cho tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với 3 ngân hàng TMCP là ACB, MB và Techcombank. Đồng thời, Moody’s nâng hạng rủi ro đối tác (CRR) và đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn đối với VietinBank, BIDV, SHB, HDBank và OCB.
Hãng này cũng thay đổi triển vọng tiền gửi nội tệ và triển vọng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ xuống "ổn định" từ mức "tích cực" cho 8 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ABB, Liên Việt, TPBank, VIB và VP Bank.
Lưu ý thêm là, như được nêu rõ trong thông cáo báo chí, Moody’s nâng hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng TMCP của Việt Nam ngày 14/8/2018 vì trước đó mấy ngày (10/8/2018) họ cũng mới nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và "hạ" triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ "tích cực" xuống "ổn định".
Và lần điều chỉnh gần đây nhất của Moody’s là vào ngày 8/11/2018 như đã nêu ở trên.
Xâu chuỗi các hành động này lại ta có thể thấy Moody’s làm việc rất "đúng quy trình". Trước hết, cần hiểu rằng, thông thường, để các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm của một thực thể kinh tế nào đó thì bước đi cần thiết là thực thể đó phải có được triển vọng xếp hạng là "tích cực", được điều chỉnh lên từ triển vọng "ổn định" trước đó. Và khi có một bước ngoặt nào đó xảy ra, chẳng hạn như kết quả kinh doanh trong những năm trước liên tục cải thiện, đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng ở mức cao hơn thì các hãng xếp hạng sẽ tiến hành điều chỉnh nâng hạng của thực thể này lên tương ứng.
Một khi đã được nâng hạng rồi thì triển vọng nâng hạng trong tương lai, ít nhất là sau 12-24 tháng, cần phải được quay trở về mức bình thường, tức "ổn định", trước khi hãng xếp hạng tín nhiệm lại nhìn thấy có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc bất lợi mới để họ một lần nữa điều chỉnh nâng triển vọng từ "ổn định" lên "tích cực" hoặc hạ xuống "tiêu cực" tùy thuộc điều kiện thực tế, và lấy đó làm cơ sở hỗ trợ cho việc điều chỉnh mức xếp hạng cao hơn hoặc thấp hơn tương ứng của thực thể này trong tương lai.
So sánh với quy trình điều chỉnh hạng mức tín nhiệm và triển vọng nói trên, có thể thấy Moody’s trước khi nâng hạng tín nhiệm cho các ngân hàng Việt Nam thì họ đã điều chỉnh nâng triển vọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam lên "tích cực" từ "ổn định" vào ngày 31/10/2017.
Sau khi nâng triển vọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam rồi thì Moody’s tiến hành nâng hạng tín nhiệm của một số trong các ngân hàng mà họ xếp hạng, cụ thể là vào ngày 14/8/2018, như đã nêu ở trên. Lưu ý thêm là sau khi họ nâng hạng tín nhiệm của một số ngân hàng thì đồng thời họ lại điều chỉnh "hạ" triển vọng của những ngân hàng này về "ổn định", chứ không phải là "tích cực" như trước đó nữa, theo đúng quy trình nói ở đoạn trên.
Do nhiều trong số ngân hàng Moody’s xếp hạng đã được nâng hạng tín nhiệm, và do Moody’s cũng đã "hạ" triển vọng của các ngân hàng này, nên chắc chắn sẽ cần một lần điều chỉnh chính thức nữa cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Lần đó chính là vào ngày 8/11/2018 vừa qua, theo đó triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trở về mức "ổn định" từ mức "tích cực" có từ tháng 10/2017 như đã phân tích.
Tóm lại, việc điều chỉnh hạng tín nhiệm và triển vọng của Moody’s với hệ thống ngân hàng Việt Nam cần được nhìn nhận một cách bình thường, không nhất thiết phản ánh sự tốt lên hay xấu đi của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể hơn, việc nâng hạng tín nhiệm của nhiều trong số 14 ngân hàng TMCP vào ngày 14/8 chẳng qua chỉ là một hành động "ăn theo" của hành động mà Moody’s nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm từ "tích cực" xuống "ổn định", chứ không nhất thiết phản ánh rằng sức khỏe của các ngân hàng này đã được cải thiện đáng kể.
Việc hạ triển vọng của hệ thống ngân hàng từ "tích cực" xuống "ổn định" ngày 8/11 vừa qua cũng chỉ là một hành động "chính thức hóa" hành động hạ triển vọng tín nhiệm của nhiều ngân hàng TMCP mà Moody’s thực hiện trước đó trong tháng 8. Hành động này cũng không nhất thiết phản ánh triển vọng sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã/đang kém tích cực đi.