Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị kéo dài thêm do chiến lược zero Covid áp dụng bởi Trung Quốc, theo một chuyên gia phân tích tới từ Moody’s Analytics.
Các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã tồn tại trong khoảng 1 năm trở lại đây, và được dự báo sẽ “dịu bớt trong những tháng đầu năm 2022”, theo Katrina Ell, nhà kinh tế học châu Á-Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics.
“Chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến áp lực ngày một giảm dần trên các phương diện như giá nhà sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào… nhưng trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt chiến lược zero Covid và cái cách họ cho đóng cửa nhiều nhà máy và cảng biển quan trọng, tình trạng gián đoạn có thể sẽ gia tăng”, bà chia sẻ. Bà bổ sung rằng điều đó sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bắc Kinh đã áp dụng chiến lược zero Covid kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020. Quốc gia này thực hiện các biện pháp như cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại, ngay cả trong phạm vi một thành phố, nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Katrina Ell, nhà kinh tế học châu Á-Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics. Ảnh: CNBC.
Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cực đoan kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền công nghiệp sản xuất và vận tải hàng hóa toàn cầu, khiến cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng. Gần đây, xuất hiện không ít lo ngại rằng biến chủng lây lan mạnh Omircon có thể sẽ khiến cho lĩnh vực vận tải phải đối mặt thêm với một “đòn giáng” mới.
Chiến lược zero Covid của Trung Quốc “làm gia tăng rủi ro xóa nhòa những tín hiệu tích cực đối với các chuỗi cung ứng trong khoảng thời gian gần đây”, Ell chia sẻ. Sẽ có “những thay đổi đối với lạm phát và chính sách của ngân hàng trung ương trong một vài tháng tới”, bà nói.
Điều này đặc biệt đúng khi xét tới vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong năm ngoái đã cho đóng cửa một phân cảng quan trọng tại cụm cảng Ninh Ba - Chu San, cảng biển bận rộn thứ 3 thế giới. Quyết định được đưa ra sau khi một công nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19, và đây không phải lần đầu quốc gia này yêu cầu một phân cảng quan trọng tạm dừng hoạt động.
Hôm 11/1, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 4,8% xuống còn 4,3%. Phân tích này dựa trên những dự đoán Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế nhằm đối phó với biến chủng Omicron.
“Chiến lược zero Covid đồng nghĩa với việc đà phục hồi kinh tế sẽ vấp phải đôi chút khó khăn, đặc biệt trên phương diện cầu”, Ell nhấn mạnh. Bà cũng bổ sung rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể có những điều chỉnh đối với chính sách tiền tệ hiện hữu như việc bơm vốn vào thị trường và cắt giảm lãi suất.
“Có rất nhiều đòn bẩy đang được áp dụng và sẽ tiếp tục được áp dụng trong một vài tháng tới nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa và để đảm bảo rằng các thử thách mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ không lấn át mục tiêu đạt được mức tăng trưởng ổn định của chính phủ trong năm mới”.