Trong một báo cáo được công bố hôm 4/9, các nhà phân tích tại Morgan Stanley dự báo rằng đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc tăng có thể thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ, đưa nó trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba trên thế giới - chỉ sau USD và đồng Euro.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc cố gắng thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới trong nhiều năm qua.
Kể từ tháng 2/2019, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm cho phép nhiều tổ chức tài chính nước ngoài vào thị trường trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dần chuyển sang thị trường Trung Quốc vì tiềm năng thu được lợi nhuận cao hơn so với các khu vực khác.
Theo Morgan Stanley, hiện tại, đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 2% tài sản dự trữ ngoại hối toàn cầu, nhưng có thể tăng lên từ 5 - 10% vào năm 2030, vượt qua cả đồng yên Nhật và bảng Anh.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng dự báo rằng các dòng vốn đầu tư theo danh mục sẽ trở nên quan trọng hơn so với đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thập kỷ tới, với dòng vốn tích lũy lên đến 3.000 tỷ USD. "Chúng tôi dự đoán các quỹ và các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo ra hơn 150 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư vào Trung Quốc trong năm 2020 và sẽ đạt 200 - 300 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030."
Với những khoản đầu tư này, nhiều tài sản toàn cầu sẽ được nắm giữ bằng đồng nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc có "truyền thống" quản lý chặt chẽ giá trị tiền tệ, bao gồm cả việc ngăn chặn một dòng vốn lớn chảy ra bên ngoài đất nước. Tuy nhiên, vào năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có một động thái quan trọng về mặt chính trị khi thêm đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ dự trữ chính - quyền rút vốn đặc biệt, và vào tháng 10/2016, nhân dân tệ đã chính thức được thêm vào giỏ tiền tệ của IMF.
"Mục tiêu chiếm từ 5 - 10% nguồn dự trữ toàn cầu không phải quá viển vông bởi thị trường tài chính hiện nay tại Trung Quốc khá "thông thoáng", quá trình hội nhập quốc tế trên thị trường cổ phiếu được thúc đẩy mạnh cùng với tỷ lệ các giao dịch xuyên biên giới được tính bằng nhân dân tệ ngày càng tăng", James Lord, chiến lược gia quốc tế tại Morgan Stanley cho biết. "Tất cả những điều này cho thấy các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ cần phải giữ nhiều Nhân dân tệ hơn như một phần dự trữ."
"Theo báo cáo quốc tế hóa nhân dân tệ hàng năm của PBOC, tính đến cuối năm 2019, có khoảng 70 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nắm giữ nhân dân tệ trong dự trữ của họ, tăng từ con số 60 vào cuối năm 2018", Lord nói thêm.
Các nhà phân tích còn chỉ ra những thay đổi trong động lực kinh tế của Trung Quốc - vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng - đòi hỏi nước này phải trở thành nước nhập khẩu vốn. Báo cáo dự đoán tài khoản vãng lai của Trung Quốc (bao gồm thương mại và thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài) có thể âm từ năm 2025 và đạt mức -1,2% GDP vào năm 2030. Điều này có nghĩa là cần ít nhất 180 tỷ USD dòng vốn nước ngoài ròng mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2030 để tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai.
Tuy nhiên, Morgan Stanley lưu ý rằng có một số rủi ro đối với dự đoán của họ về việc đồng nhân dân tệ sẽ tăng trưởng trên thị trường quốc tế, bao gồm việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc đối với đầu tư nước ngoài chậm hơn dự kiến, sự biến động của thị trường toàn cầu, rủi ro kinh tế của Trung Quốc và sự leo thang đáng kể trong căng thẳng Mỹ - Trung.
"Một trong số các dự đoán có thể không chính xác là xu hướng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và sự sẵn sàng của các nhà quản lý quỹ trong việc thêm trái phiếu Nhân dân tệ vào danh mục đầu tư của họ", báo cáo cho biết. "Xét cho cùng, phần lớn sự gia tăng tỷ trọng tài sản dự trữ của Trung Quốc đến từ Nga và vẫn chưa rõ những nước khác sẽ có động thái gì, đặc biệt nếu việc mở cửa nền kinh tế không diễn ra kịp thời."
Tham khảo: CNBC