Theo Chetan Ahya, kinh tế gia trưởng và trưởng phòng kinh tế toàn cầu tại Morgan Stanley, nhận định rằng một cuộc suy thoái có thể sẽ diễn ra vào khoảng 9 tháng tới, nếu Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 25% lên 300 tỷ USD hàng hoá bổ sung xuất khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng có biện pháp trả đũa của mình.
Ahya viết trong bản lưu ý: "Cuộc thảo luận gần đây của tôi với các nhà đầu tư đã củng cố cho quan điểm rằng thị trường đang đánh giá thấp tác động của những căng thẳng thương mại. Các nhà đầu tư thường có quan điểm rằng tranh chấp thương mại có thể kéo dài hơn, nhưng dường như họ đang nhìn nhận lại về tác động của nó đối với triển vọng vĩ mô toàn cầu."
Rạn nứt trong mối quan hệ giữa chính quyền ông Trump và chính quyền ông Tập Cận Bình đã tiếp tục leo thang, khi cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về sự thất bại của các cuộc đàm phán. Cuối tuần vừa rồi, ông Trump đã bày tỏ sự vui mừng với những chính sách thương mại của mình và động thái gần đây là áp thuế đối với hàng hoá của Mexico để phản đối tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Chưa dừng ở đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang ở trong "chảo lửa".
Đoạn tweet của ông Trump hôm Chủ nhật: "Khi bạn là một quốc gia 'heo đất' bị các nước bên ngoài cướp bóc và lừa dối trong nhiều năm, thì THUẾ QUAN là một từ thực sự rất đẹp! Những nước khác nên đối xử với Mỹ một cách công bằng và tôn trọng. Chúng tôi không còn là "những kẻ ngốc" như trước đây!"
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng và cho biết cuộc chiến thương mại ngày một căng thẳng giữa hai nước đã không khiến "nước Mỹ vĩ đại trở lại". Thay vào đó, tài liệu này còn lập luận rằng những chính sách thương mại của ông Trump đã gây tổn hại đến chính nền kinh tế Mỹ, bởi nó khiến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng vọt và gây thiệt hại cho tăng trưởng, cũng như kế sinh nhai của người dân, tạo những rào cản cho việc xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Trung Quốc.
Sách Trắng có viết: "Có thể thấy rằng việc thuế quan mà Mỹ gia tăng mức thuế đối với Trung Quốc, ngoài việc giải quyết các vấn đề, sẽ chỉ là mọi thứ tồi tệ hơn cho tất cả các bên."
Những bình luận này được đưa ra sau khi cả hai chính phủ đẩy căng thẳng thương mại lên cao bằng việc gia tăng thuế quan và đe doạ những công ty của mỗi quốc gia. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai bên đang tìm kiếm những giải pháp để làm dịu những tranh chấp này hay tiếp tục đàm phán.
Ahya viết trong một bản lưu ý hôm Chủ nhật rằng, dù thị trường chứng khoán có diễn biến tiêu cực, nhưng các nhà đầu tư vẫn đang xem xét về tác động của cuộc chiến thương mại đối với triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu. Ông cho biết thêm, tốc độ tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng khi các loại chi phí gia tăng, nhu cầu khách hàng giảm sút và các công ty cắt giảm chi phí vốn.
Khi những tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan trở nên rõ ràng hơn, thì những hành động chính trị dù được đưa ra cũng là quá muộn. Các chính sách để giảm thiểu tác động dường như quá bị động và chậm chạp trong việc đi vào hiệu lực.
Ahya viết: "Những số liệu tăng trưởng được công bố gần đây cho thấy căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, chúng ta không nên đánh giá thấp những tác động đó đối với chu kỳ kinh tế toàn cầu."