Theo ông Tiến, trước đây Trung Quốc thu mua giá cao, mỗi hecta bà con có lãi khoảng 100 triệu đồng. Chính vì thế bà con trồng ồ ạt, diện tích dứa trên địa bàn tăng rất nhanh, phá vỡ quy hoạch.
Hiện nay, năng suất dứa khoảng 40 tấn/ha, với mức giá chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, người trồng dứa coi như lấy công làm lãi.
Không bán được, chủ buôn phải thuê người đổ bỏ dứa. Ảnh Vietnamnet
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, diện tích trồng dứa toàn tỉnh khoảng 1.180 ha, tập trung tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và TP. Lào Cai. Sản lượng dứa cho thu hoạch lên tới 25.300 tấn.“Dứa Lào Cai, Thanh Hóa chủ yếu để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, do phụ thuộc vào thị trường này nên rất bấp bênh”, ông Tiến cho hay.
Việc sản xuất, tiêu thụ chuối, dứa hiện đang gặp một số khó khăn do phát triển diện tích một cách ồ ạt, không theo định hướng của Nhà nước, chủ yếu là nhân dân tự phát, hoặc các doanh nghiệp đầu tư do nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường Trung Quốc và một số tỉnh, thành phố trong nước.
Cũng theo Sở NN&PTNT Lào Cai, toàn bộ giống và quy trình kỹ thuật sản xuất chủ yếu được người dân du nhập từ Trung Quốc. Việc lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV trong sản xuất ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm thu hoạch. Đặc biệt gây khó khăn lớn trong quản lý, điều hành, ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Do vậy, chưa thực hiện được việc theo dõi và đánh giá truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, sản phẩm sau thu hoạch chưa qua chế biến, hầu hết đóng gói nguyên quả hoặc xuất bán thô cho thị trường tiêu thụ, thiếu quy trình sản xuất an toàn để xuất khẩu hoặc chế biến tại chỗ. Trong khi giá cả sản phẩm chuối, dứa phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc.
Trước tình trạng dứa rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra, sáng 11/4 vừa qua, tại xã Bản Lầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối, dứa bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai nhấn mạnh, để sản xuất, tiêu thụ chuối, dứa bền vững, UBND các huyện, thành phố cần làm tốt việc tổ chức rà soát diện tích hiện có trên địa bàn, quy hoạch, bố trí đất sản xuất chuối, dứa hợp lý theo định hướng chung của tỉnh, duy trì 650 ha trồng dứa và 1.250 chuối.
Trong đó, sẽ đưa thêm một số giống mới vào canh tác, áp dụng qui trình sản xuất đúng tiêu chuẩn hướng tới sản phẩm được chứng nhận an toàn có truy xuất nguồn gốc rõ ràng… nhằm đưa sản phẩm dứa quả của Lào Cai vào danh mục các mặt hàng chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vận động và con chuyển diện tích trồng dứa lâu năm sang các loại cây trồng khác phù hợp với phương thức canh tác, thị trường ổn định.
Đồng thời tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân sản xuất theo nguyên tắc liên kết bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.
Sở cũng kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có đủ năng lực đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng chế biến đóng hộp xuất khẩu, chế biến nước ép hoa quả đóng chai, sản phẩm mứt chuối, dứa sấy khô phù hợp theo quy mô của mỗi loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Không chỉ dứa mà khoai lang cũng rơi vào cảnh tương tự. Đầu tháng 3/2019, khoai lang Gia Lai cũng rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra do Trung Quốc ngừng thu mua.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai, năm 2019 thị trường Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn, yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên sản lượng khoai xuất đi Trung Quốc giảm mạnh. Bà con bất chấp, mở rộng diện tích ồ ạt trong khi khoai lang không phải là mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.