Đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới thăm bản Hang. Ảnh: Thu Hường.
Đây là xóm duy nhất người dân quê gốc ở huyện Nam Đàn theo tiếng gọi của Đảng lên di dân khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Châu Thành từ năm 1983 đến nay.
Quá trình lên khai hoang vùng kinh tế mới họ đã đem theo một loại cây lên trồng đó là "Hồng cậy" một loại cây trồng thân gỗ cho quả ăn rất ngon và có giá trị kinh tế cao. Hồng cậy phù hợp với đất đồi núi sau 4 năm trồng chăm sóc sẽ cho thu hoạch quả mỗi năm một mùa. Chu kỳ cho quả rất lâu lên đến 30 năm.
Hiện nay bản Hang có 24 hộ trồng cây "hồng cậy" với diện tích khoảng 10 ha. Bình quân mỗi cây cho sản lượng khoảng 300 kg quả. Với giá cả thị trường hiện nay dao động từ 15.000đ đến 20.000đ/kg thì mỗi gốc cho thu nhập khoảng 4,5 đến 6 triệu đồng.
Gia đình anh Trần Văn Khanh và chị Nguyễn Thị Sáu là hộ có 30 gốc hồng. Anh chị cho biết: "Hồng cậy là loại cây rất dễ trồng có thể mình tự ươm từ rễ cây hoặc mua tại trung tâm giống cây trồng. Quá trình trồng chăm sóc rất dễ. Sau khi đào hố bón lót phân chuồng, vôi bột trồng cây cách cây khoảng 20m đến 30m hàng năm chỉ cần vun xới bón phân 1 lần, sau 4 năm bắt đầu cho thu hoạch". Hồng cậy được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch.
Sau khi hái quả phải ngâm nước lạnh sạch khoảng 4 đến 5 ngày sau đó vớt ra để khô sau đó ủ một ngày là ăn được. Khi ăn hồng có vị ngọt, giòn rất phù hợp với món tráng miệng. Mỗi năm từ hơn 30 gốc hồng cho gia đình anh Khanh, chị Sáu thu nhập trên 120 triệu đồng.
Ngoài gia đình anh Khanh chị Sáu hiện nay bản Hang có 24 hộ trồng cây hồng cậy nhà ít thì khoảng 5 cây nhà nhiều hơn 40 chục cây. Tiêu biểu như gia đình anh Trần Văn Minh, Hồ Viết Việt, Nguyễn Thị Nga... Từ trồng hồng cậy mỗi năm đem về thu nhập cho bản Hang khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Hồng cậy ở Châu Thành cho thu hoạch hàng chục năm. Ảnh: Thu Hường.
Cây hồng cậy bén duyên trên đất Châu Thành góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Châu Thành cũng vừa là 24 hộ dân Nam Đàn di dân lên Bản Hang cho biết: "Châu Thành là xã vùng cao của huyện Quỳ Hợp, diện tích đồi núi nhiều. Hiệu quả từ cây hồng cậy mang lại đã có một số hộ người Thái trong bản Hang đến học hỏi và trồng hồng như gia đình ông Lương Văn Thanh, Sầm Văn Ngọc.
Trong thời chúng tôi đang có kế hoạch chỉ đạo nhân rộng trồng cây hồng cậy ra một số xóm bản lân cận như Bản Cải, Piêng Căm để tăng thu nhập và đa dạng hóa cây ăn quả dễ dàng hơn khi tiêu thụ trên thị trường".