Cổ phiếu EPC của Cà Phê Ea Pốk ( UPCoM:EPC ) đóng cửa phiên giao dịch 26/9 tại mức giá 20.800 đồng/cp. Như vậy, sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, thị giá gấp 2,4 lần so với mức 8.600 đồng/cp phiên 19/9. Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản cổ phiếu EPC thấp với khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên là 60 đơn vị. 5,7 triệu cổ phiếu EPC giao dịch lần đầu trên sàn UPCoM vào ngày 3/10/2018.
Cà Phê Ea Pốk trước đây là doanh nghiệp Nhà nước – công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk. Công ty được chuyển đổi thành CTCP từ 19/11/2018. Ngành nghề kinh doanh là trồng trọt, chăn nuôi và thu mua cà phê. Vốn điều lệ doanh nghiệp ở mức gần 94 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lawsk nắm 3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 32,2%. Người đại diện phần vốn Nhà nước là ông Huỳnh Trọng Phước, Thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc. Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Hùng là cổ đông lớn nhất với 4,1 triệu cổ phần, tỷ lệ 43,5%. Cổ đông lớn Nguyễn Văn Dương nắm giữ 21,5% cổ phần.
Về kết quả kinh doanh năm ngoái, đơn vị thu về 23,8 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 70% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu từ thu mua cà phê – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu năm ngoái với 45,7 tỷ đồng, giảm 81,4% còn 8,5 tỷ đồng. Doanh thu từ ớt chỉ thiên và cà phê sản xuất cũng giảm lần lượt với mức 16,1% và 79,5% còn 9,4 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm 52% còn 32,6 tỷ đồng, đơn vị kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 10,3 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu chỉ có 28 triệu đồng song chi phí tài chính tăng 67% lên hơn 2 tỷ đồng bởi chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp 5,2 tỷ đồng (giảm 10,3%) và chi phí bán hàng 406,7 triệu đồng (giảm 71,4%).
Kết quả đơn vị lỗ sau thuế 19,2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 110 triệu đồng. EPS âm 2.049 đồng, cùng kỳ 12 đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm ngoái, tổng tài sản là 94,8 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với đầu năm. Trong đó tài sản dài hạn chiếm 67% với 63,7 tỷ đồng.
Xét tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho tăng 18,6% lên 22,3 tỷ đồng, với phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (19,6 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức 871,8 triệu đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn là 6 tỷ đồng, bằng 20,5% con số đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 92% xuống 1,2 tỷ đồng. Trả trước cho người bán ngắn hạn giảm 89% còn 1,2 tỷ đồng phần lớn do đơn vị không còn 10 tỷ đồng trả trước đối với CTCP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại C&T.
Về nguồn vốn, tổng nợ vay tài chính là 26 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Nợ vay ngắn hạn tăng 33% lên 21,8 tỷ đồng với phần lớn là vay ngân hàng Agribank – chi nhánh Cư M’Gar trị giá 14,3 tỷ đồng. Khoản vay dài hạn tại Agribank – chi nhánh Cư M’Gar giảm 25% từ 5,6 tỷ đồng còn 4,2 tỷ đồng. Cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 27,2 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu gần 94 tỷ đồng.