Thời gian qua, cổ phiếu các doanh nghiệp mía đường đã ghi nhận nhiều đợt sóng tăng mạnh mẽ với các chuỗi tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp. Yếu tố hỗ trợ đến từ việc giá mặt hàng đường thế giới đã và đang tiếp tục leo thang lên mức kỷ lục, hiện tại đã trở lại vùng đỉnh hồi cuối tháng 8, ghi nhận 19,93 USD/Lbs. Còn trong nước, giá đường trong nước bán tại nhà máy cũng đã lên mức trên dưới 20.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, những nỗ lực "giải cứu" thị trường đường nội địa trước tình trạng đường giá rẻ nhập lậu từ Thái Lan thông qua việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức mở ra triển vọng lợi nhuận tích cực cho nhóm này ít nhất được đánh giá sẽ kéo dài cho đến hết năm 2021.
Diễn biến giá đường thế giới thời gian qua
Bắt nhịp với sự bứt phá của ngành, cổ phiếu CBS của Mía đường Cao Bằng đang bất ngờ “dậy sóng” khi tăng trần tới 12 trên 14 phiên gần đây nhất. Giao dịch trên sàn UPCoM với biên độ dao động lớn nhất, đà tăng điểm của CBS càng trở nên đột biến, chỉ tính riêng từ đầu tháng 9 tới nay giá trị cổ phiếu đã tăng tới 402%, từ mức 13.200 đồng/cổ phiếu leo lên ngưỡng 66.300 đồng/cổ phiếu.
Song song với giá tăng, thanh khoản cũng được cải thiện với khoảng từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên, Trước đó, mã chứng khoán này hầu như không có giao dịch.
Cổ phiếu CBS tăng hơn 400% chỉ sau hơn 1 tháng giao dịch
Phải chú ý rằng, "cơn sóng" của cổ phiếu CBS bắt đầu diễn ra sau khi Chủ tịch HĐQT CBS là ông Nông Văn Thuyết công bố trở thành cổ đông lớn từ đầu tháng 8 và tiếp tục đăng ký mua thêm 20.000 cổ phiếu CBS trong tháng 9. Tuy nhiên, ông Thuyết đã không thành công gom thêm cổ phần trong tháng 9 do không thoả mãn được yêu cầu về giá cả.
Lãnh đạo đồng loạt thoái vốn khi giá cổ phiếu phá đỉnh
Khi thị trường đã chủ yếu giữ nhịp sideway và giằng co trong lúc chờ đợi thông tin mới, đà tăng bằng lần của cổ phiếu CBS trở thành "hiện tượng lạ", khiến nhà đầu tư phải lập tức dành nhiều sự chú ý. Không chỉ vậy, hàng loạt lãnh đạo là cổ đông tại CBS cũng nhanh chóng đăng ký bán ra cổ phần, nhằm thu lời lớn trong bối cảnh giá cổ phiếu thăng hoa.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 6/10 đến ngày 26/10/2021, bà Mã Thị Quyết - Ủy viên HĐQT CBS và bà Hoàng Thị Quyết - Trưởng Ban kiểm soát CBS đã đăng ký bán ra lần lượt 40.000 cổ phiếu và 7.000 cổ phiếu CBS nhằm giữ nhằm mục đích dùng tiền cho tiêu dùng cá nhân. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh.
Cũng trong thời gian trên, ông Đàm Thịnh Hưng và ông Hoàng Văn Trường, lần lượt là chồng và anh trai bà Quyết cũng đăng ký bán toàn bộ cổ phần CBS, tổng cộng gần 14.000 đơn vị. Ngoài ra, bà Nông Thị Thủy, em ruột Chủ tịch Nông Văn Thuyết cũng đăng ký bán hết 7.222 cổ phiếu CBS.
Cùng chiều, từ ngày 6/10 đến ngày 25/10, ông Đinh Bế Đính - Thành viên Ban kiểm soát CBS đăng ký bán 4.840 cổ phiếu CBS theo phương thức khớp lệnh, giảm cổ phần sở hữu từ 7.840 xuống còn 3.000 đơn vị.
Trước đó, bà Nông Thị Nậu - Phó tổng giám đốc Công ty cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 28,8 nghìn cổ phiếu CBS, tỷ lệ 0,82%, dự kiến thời gian giao dịch từ ngày 4/10 đến 25/10/2021. Hai cổ đông khác là ông Nông Văn Ba - anh trai Ủy viên HĐQT và ông Trương Minh Đức - Thành viên HĐQT cũng đăng ký bán 5.762 và 8.000 cổ phiếu đang nắm giữ.
Hiện tại, vốn điều lệ của CBS hơn 35 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Nông Văn Lạc - Thành viên HĐQT với việc nắm giữ 16,41 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 46,52%; đứng thứ 2 là CTCP Thương mại và Dịch vụ Song Phương sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu CBS, ứng với tỷ lệ 5,56%.
Lãi sau thuế niên độ 2020-2021 tăng đột biến, gấp 4 lần cùng kỳ niên độ trước
Ngoài yếu tố bên ngoài tác động tới, nội tại của CBS cũng có điểm nổi bật. Theo đó, kết thúc niên độ tài chính 2020-2021, CBS mặc dù ghi nhận tổng doanh thu tiêu thụ xấp xỉ 244 tỷ đồng, giảm nhẹ so với niên độ trước.
Song, Công ty tiết giảm được chi phí giá vốn 24% giúp lợi nhuận gộp ghi nhận tăng ấn tượng 3,3 lần lên 63 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp qua đó được cải thiện từ 7,4% lên gần 26%. Khấu trừ các khoản chi phí, CBS báo lãi sau thuế gấp gần 4 lần, vượt mức 56 tỷ đồng.
Như vậy, sau nhiều năm thua lỗ nặng nề, đây là năm đầu tiên CBS ghi nhận lợi nhuận ròng có giá trị hai chữ số và cũng là năm lãi lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của CBS đạt gần 166 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 63 tỷ đồng, gấp 4 lần con số đầu kỳ.
Ngày 26/10 tới đây, CBS sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên theo hình thức trực tuyến. Công ty đã thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/9 vừa qua.
Theo tài liệu đã công bố, trong niên độ 2021-2022 (01/07/2021 - 30/06/2022), CBS đặt kế hoạch vô cùng "thận trọng" với doanh thu trên 218 tỷ đồng và lãi trước thuế trên 26,7 tỷ đồng. So với kết quả niên độ trước, các chỉ tiêu này lần lượt đi lùi 11% và 53%.
CBS dự kiến nộp ngân sách nhà nước 8,5 tỷ đồng, đồng thời chia cổ tức với tỷ lệ 20%.
CBS nhận định, giá cả thị trường trong năm 2022 vẫn còn dư địa tăng khi ngành mía đường vẫn duy trì tình trạng cung thiếu hụt so với cầu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số yếu tố rủi ro đặc biệt là đại dịch COVID-19 sẽ làm giảm lượng tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến kinh doanh của công ty.
Trong báo cáo đánh giá triển vọng nhóm mía đường của SSI Research, giá đường có thể tăng đến năm 2022 khi thâm hụt đường toàn cầu sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ trước.
Giá đường trong nước của Việt Nam đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá đường Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%. Trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, SSI Research cho rằng các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022.