Trong khi "cơn bão" cổ phiếu hàng hóa dần hạ nhiệt, cổ phiếu trong "hệ sinh thái" DNP lại đồng loạt tăng trần thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Nhóm này bao gồm các mã cổ phiếu DNP (CTCP Nhựa Đồng Nai), JVC (CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật), NVT (CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay), VC9 (CTCP Xây dựng số 9), HUT (CTCP Tasco).
Dù không có đà tăng mạnh mẽ như nhóm trên, song cổ phiếu TTL của Tổng Công ty Thăng Long cũng bứt phá mạnh mẽ trong những phiên gần đây. Cụ thể, chốt phiên 21/3 mã này tăng kịch trần lên mức 21.300 đồng/cp, tương đương mức tăng 1,5 lần chỉ sau 8 phiên giao dịch. Nếu so với mức giá cách đây 5 tháng, cổ phiếu này đã tăng gấp 2,4 lần.
Đáng chú ý, không chỉ tăng về chỉ số, thanh khoản của mã này cũng tăng mạnh trong những phiên gần đây. Cụ thể, thanh khoản có phiên tăng đến trăm nghìn cổ phiếu, trong khi trước đó chỉ vỏn vẹn vài nghìn đơn vị khớp lệnh trong mỗi phiên.
Tổng công ty Thăng Long – CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được Bộ GTVT thành lập vào năm 1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long – cây cầu lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Năm 2014, Tổng công ty Thăng Long chuyển sang mô hình công ty cổ phần với 300 tỷ đồng vốn điều lệ. Đến năm 2018, gần 42 triệu cổ phiếu Tổng công ty Thăng Long chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã TTL.
Tổng công ty Thăng Long được biết đến khi thi công hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn trên cả nước như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên …
Ngoài lĩnh vực mũi nhọn là thi công đường cao tốc, cầu lớn, Tổng công ty Thăng Long còn đảm nhiệm vai trò là nhà đầu tư tại các dự án hạ tầng giao thông: BOT QL38 Yên Lệnh - Vực Vòng, dự án BOT đường 188,…
Về cơ cấu cổ đông, "trùm BOT" Tasco – cái tên đình đám liên quan đến nhóm DNP là cổ đông lớn nhất khi nắm 38,61% vốn điều lệ. Tiếp đến là SCIC - đại diện vốn nhà nước với tỷ lệ sở hữu 25,05%. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội nắm 7,16% vốn và số còn lại thuộc về các cổ đông cá nhân khác.
Tuy cổ phiếu bứt phá mạnh, song kết quả kinh doanh của TTL không thực sự khởi sắc. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 1.262 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng tăng 62% lên 1.158 tỷ đồng, còn lại là doanh thu đến từ các hoạt động khác. Tuy nhiên chi phí giá vốn tăng mạnh cộng thêm các khoản chi phí không được tiết giảm khiến lãi sau thuế cả năm của doanh nghiệp chỉ đi ngang ở mức 12,6 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Tổng Công ty Thăng Long đạt 2.198 tỷ đồng, tăng thêm 646 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng gấp đôi lên 718 tỷ đồng do khoản trả trước trong lĩnh vực xây dựng tăng mạnh. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm đáng kể từ 256 tỷ đồng đầu năm xuống còn 75 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, nợ phải trả của TTL cũng tăng 58% lên 1.590 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn. Đáng chú ý, vay nợ tài chính dài hạn của doanh nghiệp tăng đột biến gấp 31 lần lên 222 tỷ đồng, trong đó có 205 tỷ là khoản vay Ngân hàng TMCP Tiên Phong – CN Hà Nội đầu năm chưa ghi nhận nhằm mục đích để đầu tư mua sắm tài sản cố định. Đáng chú ý, doanh nghiệp này hiện có khoản nợ xấu với giá trị gốc gần 161 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi.