Diễn biến giao dịch trên sàn UPCoM trong vòng một tháng trở lại đây ghi nhận diễn biến bất ngờ của cổ phiếu XMD - Công ty cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú.
Cụ thể, từ phiên 11/2, thị giá XMD bất ngờ "bốc đầu" tăng hết biên độ, bắt đầu cho chuỗi tăng kịch trần liên tiếp, hiện đã lên tới con số 16 phiên. Như vậy đến nay, so với vùng giá "trà đá" 1.900 đồng/cp trước nhịp tăng, giá XMD đã tăng gấp gần 10 lần, đây cũng là vùng đỉnh kể từ khi cổ phiếu này đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Đi kèm với thị giá tăng mạnh, thanh khoản tại cổ phiếu này cũng dần được cải thiện trong vài phiên gần nhất. Từ mức èo uột 100 cp/phiên, khối lượng khớp lệnh hiện đã tăng lên vài chục nghìn đơn vị, thậm chí phiên 1/3 còn khớp lệnh đột biến gần 150.000 cổ phiếu và giao dịch thoả thuận gần 30.000 đơn vị.
Còn trước đó, XMD gần như "đóng băng" thanh khoản khi không hề có giao dịch, thị giá cũng đứng im không nhúc nhích trong suốt nhiều năm. Nguyên nhân được cho là do cơ cấu cổ đông tại XMD khá cô đặc, cổ đông lớn nhất là Công ty Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp, mã: XMC) với việc nắm giữ tới 85,65% vốn, tương đương 3,4 triệu cổ phần. Ngoài ra là ban lãnh đạo doanh nghiệp nắm giữ cổ phiếu khoảng 3,71% vốn điều lệ. Như vậy, với số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 4 triệu cổ phiếu, lượng cổ phiếu XMD giao dịch ngoài thị trường chưa đến 430.000 đơn vị.
Liên quan đến giao dịch tại XMD, hồi đầu năm 2021 - ngay trước nhịp tăng mạnh, cổ đông lớn nhất Xuân Mai Corp đã đăng ký chào mua công khai 350.000 cổ phiếu XMD để tăng sở hữu, tuy nhiên sau đó công ty đã huỷ yêu cầu này.
Theo tìm hiểu, Xuân Mai - Đạo Tú tiền thân là chi nhánh của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chính thức chuyển đổi hoạt động sang hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Xuân Mai - Đạo Tú từ năm 2008.
Sau khi cổ phần hoá, kết quả kinh doanh của XMD tăng trưởng tích cực, đáng chú ý LNST trong năm 2011 đạt hơn 13 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm trước. Tuy nhiên sau đó, tình hình của công ty ghi nhận đi xuống, lợi nhuận vỏn vẹn vài tỷ đồng, thậm chí năm 2013 lỗ hơn 10 tỷ đồng.
Gần nhất, trong năm 2020, doanh thu của XMD đạt 62 tỷ đồng, giảm mạnh 65% so với năm trước đó. Khấu trừ đi chi phí, XMD lỗ xấp xỉ 5 tỷ đồng, EPS tương ứng đạt âm 1.250 đồng/cổ phiếu. Quy mô tài sản công ty tính đến 31/12/2020 đạt 89 tỷ đồng, giảm hơn 29 tỷ đồng, tương ứng 25% so với mức 118 tỷ đồng của năm 2019.
Theo giải trình, kết quả kinh doanh sụt giảm do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đồng thời thị trường xây dựng dân dụng và công nghiệp có sự cạnh tranh khốc liệt từ những đơn vị cùng ngành nghề. Công tác thu hồi công nợ tồn đọng cũ còn chậm khiến ảnh hưởng đến quay vòng vốn và chi phí tài chính của công ty. Cạnh tranh thị trường lao động ngày càng gay gắt, có những thời điểm nguồn công việc ít nên ảnh hưởng đến tâm lý người lao động dẫn đến gây thất thoát nguồn nhân lực của công ty.
Đến nay công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính các quý và cả năm 2021.
Tuy tình hình kinh doanh không mấy khả quan, song XMD là một doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức ổn định trong những năm gần đây. Tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt dao động khoảng 6-8%/năm, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu sẽ có thể nhận về khoảng 600 đến 800 đồng/cp. Đây là mức cổ tức không hề thấp khi so sánh với thị giá duy trì dưới ngưỡng 2.000 đồng của XMD.
Diễn biến cổ phiếu XMD