3 năm đi làm, những tưởng có thu nhập ổn định hàng tháng thì Hiền sẽ không phải lo lắng gì. Song dịch bệnh ập đến, cô bị thất nghiệp và tài khoản tiết kiệm lập tức hết sạch vì không có nguồn thu nhập thụ động nào.
Năm 2019, Nguyễn Thị Hiền (quê ở Nam Định) ra trường. Cô xin vào làm tại một công ty thương mại điện tử, lương 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức lương này, mỗi tháng Hiền chẳng để ra được đồng nào vì phải chi tiền nhà, tiền ăn và tiền điện nước.
“Mình thuê một căn phòng trọ nhỏ ở Ngã Tư Sở, Đống Đa với giá 3 triệu đồng/tháng. Mình trước giờ toàn thích ở một mình cho thoải mái nên không chia sẻ tiền phòng trọ như nhiều người. Mỗi tháng, ngoài chi tiêu cá nhân, mình chỉ còn 1 triệu đồng gửi về quê cho bố mẹ”, cô kể.
Suốt một năm đầu đi làm, Hiền không để dành được đồng nào. Sang năm thứ hai, nhờ nỗ lực trong công việc nên Hiền được tăng lương lên 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy, Hiền tiết kiệm được nhiều hơn.
3 năm đi làm ổn định, dịch ập đến vừa thất nghiệp tài khoản của cô gái này còn vài đồng (ảnh minh họa) |
“Ngoài chi tiêu như cũ thì từ năm thứ hai trở đi, mỗi tháng mình tiết kiệm được thêm 2 triệu đồng. Hết năm thứ hai, mình tiết kiệm được 24 triệu đồng. Cuối năm ngoái, bố mẹ mình sửa lại cái bếp, vì thế mình đưa hết số tiền này để ông bà trả công thợ và mua một chiếc tủ lạnh”, Hiền chia sẻ.
Đầu năm thứ 3, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành khắp nơi nhưng Hiền vẫn được tăng lương từ 10 triệu lên 13 triệu. Tính ra mỗi tháng, cô để dành được 5 triệu.
“Bản thân mình lúc đó rất tự tin vì nghĩ để dành được chừng ấy tiền một tháng sẽ không phải lo lắng gì. Thế nhưng, vừa tăng lương được 5 tháng và tích cóp được 25 triệu đồng thì công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Nhiều bộ phận phải tinh giản nhân sự và mình cũng rơi vào trường hợp bị tinh giản”.
Tháng 6/2021, Hiền chính thức thất nghiệp. Cô cũng ráo riết tìm việc nhưng rất ít nơi tuyển dụng. Cô chưa tìm được công việc văn phòng cùng như mức lương như ý nên tự nhủ phải bình tĩnh và tự cho mình thêm thời gian. Thế rồi khi việc chưa tìm được, cả TP. Hà Nội lại thực hiện giãn cách xã hội.
Cô nhớ như in thời điểm từ 0h ngày 24/7, toàn thành phố giãn cách xã hội để chống dịch. Hiền cũng như mọi người ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. 4 đợt giãn cách cứ thế trôi qua, kéo dài đến tận 21/9. Trong suốt 3 tháng, hầu như cô chỉ lấy tiền tiết kiệm ra để chi tiêu và mua sắm những thứ thiết yếu. Dù tiết kiệm nhất, mỗi tháng Hiền vẫn tiêu hết 5 triệu.
Giờ sau gần 5 tháng thất nghiệp, số tiền tiết kiệm 25 triệu đồng của Hiền sắp bằng 0. Cô còn chưa biết xoay xở như thế nào với tiền nhà trọ, xăng xe, ăn uống và các chi phí sinh hoạt hàng ngày trong thời gian tới.
“Cuối tháng này, mình cạn tiền để dành rồi nên thấy lo lắng quá. Có lẽ phải gọi điện về cầu cứu bố mẹ hoặc vay tạm bạn bè sống qua giai đoạn trước mắt. Từ giờ đến cuối năm, bằng mọi giá mình phải tìm được việc, dù thời điểm cận Tết tìm việc rất khó. Các công ty cũng ít tuyển dụng lao động vào cuối năm”, Hiền cho hay.
Chia sẻ về nguyên nhân vừa thất nghiệp nguồn tài chính lập tức cạn kiệt, Hiền thừa nhận cô từng nghĩ lương của người làm việc văn phòng có thể cao và ổn định hơn lao động tay chân thời vụ. Nhưng ngẫm ra, HIền thấy không bằng nếu người lao động thời vụ có những nguồn thu nhập thụ động khác. Còn như cô, nếu không có tài sản nào khác, lại không có nguồn thu nhập thụ động thì khi thất nghiệp, tiền tiết kiệm lập tức về con số 0 là điều dễ hiểu.
Thảo Nguyên