Nếu bán 120.000đ/kg, DN cũng chỉ có lãi khoảng 5%, nếu hàng tồn, huỷ là lỗ.
Ngày 04/04, ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Công ty cổ phần Sói Biển Trung Thực (SBTT) đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân về nỗi ám ảnh của ông trong suốt 10 tháng đảm nhận chức vụ CEO SBTT, đó là các đoàn thanh tra, kiểm tra của “không biết bao nhiêu mà kể các bộ phận, ban ngành”. Đáng nói là có nhiều đoàn yêu cầu được gặp trực tiếp bằng được ông Trình khi đến cửa hàng của SBTT.
“Nếu một lãnh đạo doanh nghiệp hàng ngày ngồi chầu ở cửa hàng để chờ tiếp các đoàn thì liệu ai sẽ lo hoạch định, chính sách, phát triển công ty?” ông Nguyễn Khánh Trình chia sẻ.
“Có một lần, khi một đoàn kiểm tra yêu cầu tôi có mặt, còn tôi thì đang ở Bắc Giang, tôi đã gọi điện về, họ không đồng ý làm việc với nhân viên của tôi, tôi đã nói với họ rằng: "Các anh chị có thể lấy bất kì thứ gì trong cửa hàng của tôi và đem về nấu ăn thử xem đó có phải là những loại thực phẩm tốt hay không. Tôi làm công việc này không phải vì mục đích kiếm thêm một chút tiền để rồi bị khó dễ như vậy đâu. Gây khó cho tôi để sau này những thế hệ kế cận chúng ta, trong đó có con cháu của các anh chị sẽ phải sử dụng những loại thức ăn như thế nào? Tôi nói vậy để anh chị hiểu. Còn tôi ko thể có mặt tại cửa hàng bây giờ..."
Trao đổi với PV Infonet, ông Trình tỏ ra thất vọng cho biết riêng tuần vừa qua cửa hàng của SBTT đã phải tiếp 3 đoàn kiểm tra. Tính từ Tết Nguyên đán đến nay đã có 10 đoàn kiểm tra không có kế hoạch trước thuộc Quản lý thị trường, Ban liên ngành thành phố, mỗi đoàn kiểm tra cũng ngốn của doanh nghiệp nửa ngày làm việc.
“Họ không làm sai, nhưng cách làm chưa phù hợp để phát triển kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.”, ông Nguyễn Khánh Trình nói. Chỉ thị số 20/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/05/2017 yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó quy định rõ không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.
Cùng với những dòng chia sẻ của mình, CEO của SBTT còn chia sẻ những thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp và cá nhân ông, để nếu ai đó có ý định dấn thân vào nông nghiệp sạch cần suy nghĩ nghiêm túc.
Slide chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Trình. Ảnh chụp từ facebook cá nhân.
“Một con heo chúng tôi sản xuất ra, nuôi trong 6 tháng 1 tuần, giá vốn có thể chỉ 45.000 đồng/kg nhưng chi phí cho các loại giấy phép, các chi phí không tên có thể gấp 1,5 số đó. Do đó, nếu có bán ra 120.000 đồng/kg chúng tôi cũng chỉ có lãi khoảng 5%. Còn nếu có hàng tồn, huỷ thì sẽ bị lỗ,” ông Trình chia sẻ.
Slide chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Trình. Ảnh chụp từ facebook cá nhân. |
Ông Trình, sẽ là bất công cho những doanh nghiệp làm thực phẩm sạch khi cơ quan chức năng liên tục kiểm tra chỉ vì họ sản xuất…. thực phẩm sạch. Trong khi đó, nhiều thương lái, người buôn bán vẫn hằng ngày chở thịt heo từ ngoại thành vào các đô thị mà không cần những loại giấy phép, không bị thanh tra kiểm tra.
“Tôi rất buồn vì những nỗ lực, tiền bạc của mình bỏ ra với mục đích tốt nhưng không được đón nhận mà lại bị gây khó khăn, như thể mình đang làm những điều trái pháp luật,” ông Trình bức xúc. Tuy nhiên, ông cũng lường trước những khó khăn ông và công ty có thể gặp phải sau khi công khai chỉ trích các đoàn kiểm tra:
“Những điều tôi nói có thể sẽ thức tỉnh một vài cá nhân nào đó, cũng có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới cá nhân tôi, công ty tôi... nhưng tôi vẫn viết. Vì tôi nghĩ điều đó sẽ giúp ích hơn cho cộng đồng, xã hội, cho đất nước, cho những người nông dân đang ngày đêm cày cấy nuôi trồng trên mảnh đất của họ để mưu sinh”.
|
Slide chia sẻ của ông Nguyễn Khánh Trình. Ảnh chụp từ facebook cá nhân. |