CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã VIG) vừa công bố nghị quyết tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2021.
Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là công ty chuẩn bị phát hành 66 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá trị 660 tỷ đồng (giá phát hành tối thiểu là mệnh giá) để tìm cổ đông chiến lược cho công ty có nguồn vốn đầu tư, kinh doanh nhằm tái cấu trúc, đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Sau đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của VIG sẽ tăng thêm 660 tỷ đồng lên mức 1.001 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, cuộc đua tăng vốn để mở rộng thị phần của các công ty chứng khoán sôi động hơn bao giờ hết.
Mới đây, HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI vừa ban hành phương án dự kiến tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, duy trì vị thế doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất ngành chứng khoán. Theo SSI, việc tăng vốn điều lệ này nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng dự kiến chào bán gần 435 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ, huy động khoảng 4.350 tỷ đồng. Cùng với đó, HĐQT VNDirect sẽ trình cổ đông phương án phát hành gần 348 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với 2 phương án này, dự kiến vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Tại đại hội mới diễn ra, HĐQT của Chứng khoán APEC (APS) thống nhất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2022.
Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường tăng nóng, tăng vốn điều lệ cũng là cách giúp nhiều CTCK có thêm nguồn tiền để rót vào hoạt động tự doanh, với kỳ vọng đẩy lợi nhuận tăng.