Với bề dày 26 năm hoạt động tại thị trường vốn Việt Nam, Dragon Capital không chỉ là nhà quản lý quỹ ngoại lớn nhất trên thị trường chứng khoán (quản lý quỹ VEIL hơn 2 tỷ USD, quỹ VEF gần 300 triệu USD) mà quỹ này cũng đang sở hữu công ty quản lý quỹ nội có quy mô lớn nhất là Dragon Capital Vietnam (DCVFM) - tiền thân là CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Năm 2021, với điều kiện thị trường thuận lợi, quy mô hoạt động của DCVFM đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng giá trị tài sản ròng các quỹ DCVFM quản lý tại thời điểm cuối năm 2021 tăng vọt lên 33.400 tỷ đồng, tập trung vào 3 quỹ DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF và Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VFMVSF).
Mặc dù thị trường sụt giảm sâu nhưng do dòng tiền đổ mạnh vào quỹ DCVFM VNDiamond ETF, tổng giá trị tài sản ròng các quỹ chính của DCVFM tại thời điểm cuối tháng 6/2022 vẫn tăng nhẹ lên 34.700 tỷ.
Tính chung cả năm 2021, DCVFM ghi nhận doanh thu tăng đột biến từ 90 tỷ lên 878 tỷ đồng, bao gồm 225,5 tỷ đồng phí quản lý quỹ cùng khoản thu đột biến 635,2 tỷ đồng đến từ phí tư vấn đầu tư chứng khoán cho Dragon Capital Management (HK) – cổ đông đang sở hữu 49,9% cổ phần của công ty.
Trừ đi các chi phí, DCVFM ghi nhận lãi trước thuế tăng gấp 10 lần từ 29 tỷ lên 314 tỷ đồng. Mức lợi nhuận của công ty có thể ấn tượng hơn nhiều nếu như không "hào phóng" chi tới 117 tỷ đồng để ủng hộ và tài trợ cho các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Đây là mức hỗ trợ rất lớn khi so sánh với quy mô tài sản chưa đến 1.000 tỷ đồng của DCVFM.
Mức chi trả khủng dành cho nhân viên
Tương đồng với quy mô hoạt động tăng lên, trong năm 2021, DCVFM đã tuyển mới cả trăm người, nâng đội ngũ nhân sự từ 47 lên 148 người.
Dù có đội ngũ không lớn - nhất là nếu so với các công ty chứng khoán top đầu - nhưng điểm đáng chú ý là DCVFM có quỹ lương rất "khủng", đồng nghĩa là mức đãi ngộ lớn dành cho nhân viên.
Theo báo cáo tài chính, chi phí nhân viên của DCVFM trong năm 2021 lên tới gần 363 tỷ đồng, tức công ty chi 2,45 tỷ đồng/người. Đây không chỉ là lương, thưởng trả cho nhân viên mà còn gồm những khoản chi bắt buộc theo lương theo quy định.
Khá nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lớn hiện có thu nhập (không gồm ESOP) thấp hơn con số này như Tổng giám đốc VIB thu nhập 2,3 tỷ đồng; Tổng giám đốc Hoa Sen Group gần 2 tỷ đồng...
Năm 2020, với 47 nhân viên, DCVFM chi trả 39,4 tỷ đồng, tương ứng bình quân 800 triệu đồng/người.
Với mức thu nhập cao thì tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp cũng rất lớn. Tổng số thuế thu nhập cá nhân của nhân viên DCVFM phát sinh trong năm là 56 tỷ đồng, tương đương 15% chi phí nhân viên của công ty.
Hiện trụ sở DCVFM đặt tại Melinh Point, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - vị trí làm việc được xem là đắc địa bậc nhất giữa quận trung tâm đô thị. Xác lập tên tuổi và vị thế đầu ngành, cộng hưởng với chế độ hấp dẫn cùng vị trí "vàng" - DCVFM có thể được đánh giá là một trong những môi trường làm việc đáng mơ ước bậc nhất ngành tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh toàn ngành đang trải qua giai đoạn khó khăn do thị trường đã qua giai đoạn bùng nổ và lần lượt xuất hiện các đợt biến động, có lẽ trong thời gian tới, việc mở rộng quy mô nhân sự lớn như công ty đã thực hiện năm vừa qua sẽ hiếm có khả năng xuất hiện trở lại.