Châu Âu vẫn than phiền rằng họ không có những công ty internet tầm cỡ có thể cạnh tranh với những ông lớn của Trung Quốc như Google, Facebook, Alibaba và Tencent.
Chỉ sau một đêm, lời than phiền ấy đã biến mất: châu Âu giờ đã có 1 công ty internet giá trị 100 tỷ USD vừa niêm yết cổ phiếu tại Amsterdam hôm nay (11/9).
Công ty này có tên là Prosus, được tách ra từ tập đoàn truyền thông nổi tiếng Naspers của Nam Phi. Prosus cho biết giá trị vốn hóa của công ty trong ngày đầu giao dịch đã ở mức 100 tỷ USD, lọt top 10 công ty internet tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Bản thân Prosus không phải là 1 công ty internet tiêu dùng, đồng nghĩa công ty không cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số mang thương hiệu của riêng mình như Facebook hay Alibaba. Thay vào đó, công ty đầu tư vào một loạt các công ty internet trên khắp thế giới, với lĩnh vực hoạt động trải rộng từ thanh toán điện tử đến fintech và giao đồ ăn.
Khoản đầu tư được biết đến nhiều nhất của tập đoàn là 31% cổ phần ở Tencent, đế chế sản xuất game và chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin nổi tiếng WeChat. Naspers đầu tư 32 triệu USD vào Tencent năm 2001 và khoản đầu tư này giờ đã có giá trị 130 tỷ USD.
Theo cấu trúc mới, Prosus sẽ nắm giữ cổ phần Tencent của Naspers cũng như cổ phần tại tập đoàn Mail.ru của Nga và công ty giao đồ ăn Delivery Hero của Đức. Naspers vẫn sẽ là 1 cổ đông lớn của công ty mới.
Sự xuất hiện của Prosus trên sàn chứng khoán Amsterdam làm thay đổi toàn bộ bức tranh công nghệ ở châu Âu khi công ty này ngay lập tức trở thành một trong những công ty công nghệ niêm yết lớn nhất trong khu vực. Theo dữ liệu của Reuters, quy mô của Prosus tương đương với công ty phần mềm SAP của Đức (giá trị vốn hóa 135 tỷ USD).
Châu Âu đã bị Mỹ và Trung Quốc bỏ lại rất xa khi xét đến số lượng những ông lớn công nghệ. Trong số 20 công ty internet lớn nhất xét theo giá trị vốn hóa năm 2018, không có công ty nào đặt trụ sở ở châu Âu. Tháng trước, rộ lên tin tức rằng EU đang vẽ ra kế hoạch xây dựng 1 quỹ đầu tư quốc gia chuyên đầu tư vào "những công ty châu Âu tiềm năng" có thể cạnh tranh với những ông lớn công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.