Năm 1994, Công ty Vận tải biển III (VINASHIP) trực thuộc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TCCB của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2006, Vinaship cổ phần hoá, thành Công ty Cổ phần Vận tải biển VINASHIP, với tổng số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà Nước nắm giữ 51%.
Vinaship niêm yết trên sàn HNX với mã VNA vào năm 2008, kể từ đó đến nay chưa từng tăng vốn điều lệ. Trải qua cơn bão vận tải biển giai đoạn 2009-2019, Vinaship rơi vào cảnh lỗ luỹ kế một thời gian dài.
Tuy nhiên, sang năm 2021, khủng hoảng container toàn cầu đã khiến công ty này "đổi vận".
Báo cáo soát xét bán niên 2021 của VNA cho thấy nửa đầu năm 2021, doanh thu của công ty đạt 387 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng, gấp 33 lần cùng kỳ năm trước. EPS 6 tháng đạt 3.460 đồng.
Lý giải về kết quả này, ban lãnh đạo Vinaship cho biết, thị trường tàu hàng khô quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng khối lượng vận chuyển vẫn tăng trưởng đột biến nhờ nhu cầu mạnh mẽ về than, quặng của châu Á – đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ tiêm vaccine tại các nước phát triển tăng cao mang lại tâm lý lạc quan, giúp phục hồi phần nào các hoạt động kinh tế và giao thương hàng hoá. Chỉ số BDI tăng từ 1.761 điểm từ đầu tháng 1 lên 3.324 điểm vào cuối tháng 6 cho thấy giá cước vận tải tiếp tục phục hồi và có sự tăng trưởng.
Chỉ số Baltic Dry Index là chỉ số tham chiếu phản ánh giá vận chuyển hàng hoá khô bằng đường biển
Lãnh đạo VNA cũng cho biết đội tàu của Vinaship gồm 7 chiếc hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, các hợp đồng có giá cước tốt bắt đầu được thực hiện nên doanh thu hoạt động khai thác tàu biển đã tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, Vinaship đã nỗ lực tận dụng các cơ hội thị trường để cải thiện kết quả kinh doanh, tiếp tục áp dụng các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giữa bối cảnh giá nhiên liệu trong nước, quốc tế tăng mạnh và chi phí kiểm dịch y tế, xét nghiệp cách ly thuyền viên khi hết thời gian công tác phát sinh nhiều.
Vinaship cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận thu nhập từ việc tái cơ cấu tài chính với các tổ chức tín dụng, đồng thời từ việc bán cổ phiếu ngoài ngành, Vinaship cũng thu về một khoản doanh thu hoạt động tài chính đáng kể, góp phần làm lợi nhuận sau thuế của công ty tăng so với năm 2020. Cụ thể, VNA đã bán 430.700 cổ phiếu ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) ghi nhận khoản lãi 7 tỷ đồng trong kỳ.
Lỗ luỹ kế, âm vốn lưu động
Kiểm toán nhấn mạnh báo cáo soát xét của VNA, trong đó tại thời điểm 30/6/2021, chỉ tiêu nợ ngắn hạn của VNA đang vượt quá tài sản ngắn hạn gần 86 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 149,38 tỷ đồng. Kiểm toán cho thấy có yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Giá cổ phiếu VNA tăng gấp 8 lần trong vòng 6 tháng
Giải trình về vấn đề này, Ban lãnh đạo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, do những diễn biến thuận lợi của hoạt động vận tải biển trong nước và quốc tế, hoạt động kinh doanh của công ty có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này làm cho các chỉ tiêu doanh thu, giá vốn và kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 của Vinaship tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty, theo chỉ đạo của chính phủ về tái cơ cấu tài chính tại Vinalines giai đoạn 2017-2020, Vinaship đã và đang làm việc với các tổ chức tín dụng điều chỉnh lại kế hoạch trả nợ của các khoản vay dài hạn theo hướng giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và mua bán nợ. Do đó, khả năng trả nợ vay của Vinaship tuỳ thuộc vào quá trình tái cơ cấu này. Vì vậy, Vinaship tin tưởng Báo cáo tài chính được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.
Tại thời điểm 30/6/2021, VNA có 96 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, gấp 4 lần đầu năm, đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng 40 tỷ. Công ty có khoản nợ ngắn hạn 190 tỷ đồng (đầu năm 175 tỷ) và 138 tỷ đồng nợ dài hạn (đầu năm 159 tỷ).