Ghi nhận giao dịch đáng chú ý tại Xây dựng Số 9 (VC9), ông Phạm Thái Dương - Phó Chủ tịch HĐQT - vừa đăng ký bán 1,11 triệu cổ phiếu, tương đương toàn bộ 9,51% vốn đang nắm giữ tại Công ty.
Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 9/11 đến ngày 8/12/2021, mục đích do nhu cầu tài chính cá nhân. Các giao dịch sẽ thực hiện theo phương thức khớp lệnh.
Trên thị trường, cổ phiếu VC9 đang bật tăng trần lên mức 10.600 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, ước tính Phó Chủ tịch có thể thu được khoảng 12 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn trên.
Thua lỗ kỷ lục trong quý 3/2021, đưa tổng lỗ luỹ kế vượt 100 tỷ đồng
Động thái thoái vốn cũng lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh kinh doanh của VC9 sa sút. Thậm chí, quý 3/2021 Công ty báo thua lỗ kỷ lục.
Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ giảm mạnh đến 87% so với quý 3/2020, chỉ còn khoảng 17 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến VC9 lỗ gộp hơn 69 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Công ty báo lỗ ròng hơn 76 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ quý kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp chào sàn vào tháng 11/2009.
Theo đó, tổng lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối tháng 9 của doanh nghiệp tăng đột biến lên 103 tỷ đồng.
Được biết, VC9 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Xây dựng số 9 trực thuộc Công ty Xây dựng Xuân Hoà và Đội ván khuân trượt Công trường K3 thuộc Công ty Xây dựng số 5 ngày 15/11/1977 theo quyết định của Bộ Xây dựng.
Lĩnh vực kinh doanh chính: xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; kinh doanh phát triển khu đô thị mới; sản xuất kinh doanh vật tư thiết bị hàng thủ công mỹ nghệ... Hiện, Vinconex là cổ đông lớn nhất tại VC9 với sở hữu hơn 36% vốn.
Kiểm toán từng đưa ra loạt vấn đề
Trước đó, tại BCTC soát xét bán niên thay vì có lãi 292 triệu đồng trong BCTC tự lập, thì VC9 ghi nhận lỗ ròng gần 7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do VC9 điều chỉnh tăng chi phí giá vốn đối với các dự án xây lắp cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam. Sau 6 tháng VC9 chỉ ghi nhận hơn 99 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 79% so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đáng chú ý ngoài việc điều chỉnh KQKD từ lãi sang lỗ, kiểm toán còn đưa ra các ý kiến ngoại trừ đối với BCTC soát xét nửa đầu năm 2021 của VC9.
Cụ thể, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Công ty chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn công trình xây lắp phù hợp với doanh thu các năm trước và kỳ này. Nếu Công ty ghi nhận đầy đủ thì giá vốn sẽ tăng lên và lãi trước thuế sẽ giảm cùng số tiền 0,54 tỷ đồng. Đồng thời, hàng tồn kho và lãi sau thuế chưa phân phối sẽ giảm đi lần lượt là 111 tỷ đồng và 111,6 tỷ đồng.
Giải trình cho việc này, VC9 cho biết có sự chênh lệch trong việc ghi nhận giá vốn giữa chi phí thực tế và chi phí theo phương án của kiểm toán là vì đối với các dự án xây lắp giai đoạn đầu, công việc chủ yếu là phần thô, khối lượng lớn, phù hợp với năng lực thiết bị của Công ty (đã khấu hao hết), không phải đầu tư mua sắm thêm, hơn nữa, Công ty chủ động được nhân lực sẵn có nên chi phí ít, lợi nhuận thường cao hơn lợi nhuận theo phương án chi phí.
Ngoài ra, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một số khoản nợ quá hạn thanh toán khó có khả năng thu hồi, với số tiền ước tính lần lượt là 6,16 tỷ đồng và 8,01 tỷ đồng. Giải trình cho vấn đề này, VC9 cho biết vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để đôn đốc, thu hồi các khoản công nợ phải thu này.