Nông sản Việt Nam tại châu Âu tiếp tục tăng giá nhưng lợi nhuận bán buôn chưa chắc đã tăng tương ứng.
Nông sản Việt Nam trên thị trường châu Âu tiếp tục đà tăng giá và có thể còn tăng thêm nữa từ nay đến cuối năm - thời điểm nhu cầu thị trường ở mức cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu tại châu Âu cho biết, không phải vì giá tăng mà lợi nhuận bán buôn tăng tương ứng. Lý do vẫn là giá vận tải đường biển quá cao.
Một container 24 tấn gạo ST25 của Việt Nam đến được châu Âu vào đầu tháng 8, doanh nghiệp phải trả phí vận chuyển gần 200 triệu đồng. Ngoài cước vận tải biển, các chi phí liên quan cũng tăng ở các mức độ khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Minh Liên - Giám đốc Công ty nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium cho biết: "Do tình hình COVID-19 những chi phí đội lên mà không biết trước được. Ví dụ như không có đủ nhân công làm việc thì hàng phải nằm ở ngoài cảng, dẫn đến tiền chi phí lưu kho. Vì vậy, tình hình này làm cho giá gạo đội lên rất nhiều".
Gạo cũng như đa số nông sản thường có giá trị thấp do vậy giá cước vận chuyển từ Việt Nam chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong tổng giá trị hàng hóa đến được châu Âu. Có nhiều mặt hàng, chi phí chuyên chở cao hơn so với giá trị hàng hoá. Hệ quả là giá bán tại châu Âu buộc phải tăng.
Nông sản Việt Nam tại châu Âu tiếp tục tăng giá nhưng lợi nhuận bán buôn chưa chắc đã tăng tương ứng. |
"Có những mặt hàng nhỏ nhỏ tăng lên tới 50% - 60%. Gạo hiện tại cũng đang tăng từ từ. Trước đó, tôi bán thì người ta nói là gạo Campuchia với gạo Thái Lan vẫn chưa tăng nhưng hiện tại ngoài thị trường đã tăng lên 15 - 20%", bà Nguyễn Thị Minh Liên cho hay.
Các doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu đang trong thế "đâm lao phải theo lao". Không thể tạm ngưng nhập hàng, gián đoạn nguồn cung sẽ làm mất ngay lượng khách hàng quen đã bao công gây dựng. Các nhà nhập khẩu nông sản còn đang phải chịu một sức ép nữa là sắp đến lúc chuẩn bị cho mùa bán hàng mấy tháng cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Trà Linh - Phó Giám đốc công ty LTP Import Export B.V. (Hà Lan) cho biết: "Giá của tàu biển hiện đang tăng cao nhất lịch sử. Hiện tại cũng chưa biết là họ sẽ dừng ở mức giá này hay là còn tăng nữa. Mọi người dự kiến là sẽ lên đến mức 20.000 USD cho một container 40 feet. Giá cả chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng rất là nhiều".
Một mặt bằng giá cao hơn, người tiêu dùng ở châu Âu đang phải mua hàng châu Á với giá đắt hơn, nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp có lợi hơn. Hiện doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp nhập khẩu ở châu Âu đều phải cắt giảm biên độ lợi nhuận. Chỉ có các hãng tàu biển là chắc chắn tăng mạnh doanh thu.
(Theo VTV)