Thị trường tài chính thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, chứng khoán Mỹ tụt giảm ở mức tồi tệ nhất trong 2 năm qua trong bối cảnh Covid-19 lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về một đại dịch.
Giới đầu tư đang cảnh giác cao độ với những tác động tiêu cực của dịch bệnh lần này.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua sụt giảm mạnh theo đà tụt giảm trên các TTCK châu Á và châu Âu trước đó.
Chốt phiên 24/2 (rạng sáng 25/2 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.031 điểm (-3,55%). Chỉ số tầm rộng . S&P 500 sụt 3,5% còn 3.225,89 điểm. Nasdaq mất 3,71%, đóng cửa với 9.221,28 điểm.
Như vậy, chỉ trong một vài phiên đen tối, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã đánh mất toàn bộ thành quả từ đầu năm tới nay, trong khi đó cũng ở tình trạng tương tự sau phiên giảm tồi tệ nhất trong 2 năm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc tăng nhanh chóng, làm dấy lên những lo ngại toàn cầu do tác động của dịch bệnh. Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch bệnh lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục và nâng cảnh báo coronavirus của mình lên mức cao nhất sau khi chứng kiến số người nhiễm tăng vọt. Nước Ý buộc phải phong tỏa một khu vực dân cư…
Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong các lĩnh vực được đánh giá là chịu tác động từ dịch cúm Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đã giảm điểm như hàng không, du lịch, dịch vụ, giải trí, công nghệ…
Cổ phiếu ngành hàng không Delta và American AirLines đều giảm hơn 6%, United AirLines mất 5,4%. Cổ phiếu của các casino Las Vegas Sands và Wynn Resorts mất ít nhất 5,2%. Cổ phiếu công nghệ Apple tụt giảm 4,8%...
Giới đầu tư lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu nằm tại Trung Quốc sẽ chưa thể nhanh chóng phục hồi trong khi các nước khác cũng đang bắt đầu gồng mình chống dịch.
Các nước đang vật lộn với dịch Covid-19, vượt khỏi Trung Quốc |
Thị trường tài chính thế giới chao đảo với vàng có lúc lên tới gần 1.700 USD/ounce. Trong khi lợi tức tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống mức 1,369%, gần với mức thấp nhất mọi thời đại là khoảng 1,36%.
Điều mà giới đầu tư lo lắng nhất chính là sự sụt giảm, thậm chí đổ vỡ một phần tại nền kinh tế Trung Quốc - trung tâm các chuỗi cung ứng cho thế giới. Một dự báo trên Bloomberg cho thấy, có thể sẽ có hàng triệu công ty Trung Quốc sẽ phá sản trong 1-3 tháng nếu dịch bệnh chưa được dập tắt trong quý 1. Các doanh nghiệp này sẽ cạn kiệt tiền trong 2 tháng và không đủ trả tiền lương.
Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trơ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng như thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ không thể tiếp cận khoản tài trợ cần thiết để trả nợ đúng hạn và thanh toán lương cho nhân viên.
Dù vậy, ở chiều ngược lại, một số chuyên gia dự báo các nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh diễn biến theo hình chữ V sau khi bệnh dịch hết.
Hiện tại, nền kinh tế Mỹ vẫn khá tốt, dòng vốn vẫn ồ ạt đồ về Mỹ, thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 50, cũng như có những thắng lợi về mặt thương mại với nhiều đối tác chính như Trung Quốc, Nhật, bắc Mỹ…
Tuy nhiên, trước đó, TTCK đã tăng rất mạnh và liên tục lập kỷ lục trong hàng chục tháng. Do vậy, áp lực điều chỉnh cũng đã được dự báo từ trước. Hơn thế, giới đầu tư cũng như các nhà làm chính sách Mỹ cũng đang thực sự cẩn trọng với dịch Covid-19 lần này.
Gần đây, hãng công nghệ Apple của Mỹ đã cảnh về khả năng sụt giảm doanh thu trong quý đầu năm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vẫn tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong cuộc điều trần mới nhất trước Thượng viện nhưng cho biết sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của dịch bệnh và chờ tác động qua các số liệu kinh tế. Ông Powelll cũng cho biết, Fed sẽ cân nhắc kích thích nền kinh tế bằng việc mua lượng lớn trái phiếu chính phủ, được biết đến là biện pháp nới lỏng định lượng, nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
M. Hà