Tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030. Với diện tích trên 250.000 ha, giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, cua là một trong những sản vật được tin cậy cho tương lai kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp, trụ đỡ và thế mạnh trọng yếu của tỉnh.
Đây là thời điểm hết sức phù hợp để ngành hàng cua Cà Mau được đánh giá thấu đáo, toàn diện về hiện trạng tìm cơ hội bứt phá và con đường đi vững chãi, lâu dài.
Ông Võ Quốc Cấm, công chức Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau ) nói với Báo Cà Mau: “Hiện nay, Năm Căn đã triển khai được 3 mô hình nuôi cua thương phẩm theo hướng VietGAP, tại 3 xã: Hàm Rồng, Hiệp Tùng và Tam Giang, với 150 ha”. Ðây là quy trình nuôi cua sạch, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ, đáp ứng yêu cầu từ khâu cải tạo, chọn giống, chăm sóc và thu hoạch.
Tại xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn), mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ông Cao Thái Phương, phụ trách công tác khuyến nông xã Hàm Rồng, cho biết: “Mô hình triển khai từ tháng 10/2023, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ðầu năm 2024, khi hiện tượng cua chết diễn ra khắp nơi, những bà con nuôi cua theo cách mới đã đảm bảo năng suất đạt 50-60%, chất lượng cua thương phẩm đảm bảo”.
Hiện cua Năm Căn chỉ có sản phẩm cua thịt tươi sống cho thị trường trong nước và cả quốc tế. Các sản phẩm gia tăng giá trị từ cua Năm Căn là dư địa gần như bỏ ngỏ.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trí Dũng Năm Căn, cua Năm Căn cần theo kịp với nhu cầu thị trường, “phải có sản phẩm mà thị trường cần, chớ không chỉ bán những gì mình có như hiện nay. Ðơn cử như sản phẩm cua lột, thị trường đang rất ưa chuộng, trong khi cua Năm Căn gần như nằm ngoài cuộc chơi”.
Hồi tháng 3 năm nay, lô cua gạch Cà Mau hấp sẵn đầu tiên (khoảng 2.000 con) của Việt Nam đến Mỹ, xuất khẩu bởi công ty Vua Cua bằng đường hàng không. Trong thời gian thử nghiệm, CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết dự kiến xuất 800kg đến một tấn cua gạch hấp mỗi tuần sang Mỹ.
Trước đó, lô hàng đầu tiên 11 tấn cua Cà Mau đến Mỹ vào cuối năm 2023 đã nhanh chóng "cháy hàng". "Số hàng xuất qua Mỹ bán rất chạy, khách muốn mua thêm nhưng tôi không còn đủ sản phẩm bán", bà Thư chia sẻ với báo chí khi đó.
Theo vị CEO này, cua gạch Cà Mau có triển vọng kinh doanh tốt vì nhu cầu ăn cua gạch nhiều hơn cua thịt. Tại Mỹ, đối thủ trực tiếp của cua gạch Cà Mau là cua nâu Na Uy. Loại này có gạch nhiều hơn và giá cũng rẻ hơn. Trên sàn online Sayweee, một con cua nâu Na Uy hấp trọng lượng 500-600 gram giá gốc chưa đầy 12 USD, và chỉ còn 8,8 USD sau khuyến mại.
Trong khi đó, mỗi hộp cua Cà Mau xốt 500gram bán đợt đầu ở Mỹ (cả của gạch và cua thịt) có giá 25-27 USD, cua hấp có giá khoảng 22 USD/con.
Bà Thư cho rằng cua gạch Cà Mau có vị thế riêng. "Gạch của cua nâu Na Uy nhỉnh hơn nhưng thịt nhạt và hơi mặn trong khi chất thịt cua Cà Mau ngọt và thơm hơn", bà phân tích.
Cà Mau là tỉnh có quy mô nuôi cua cao nhất cả nước. Từ 2023, cua được xác định là ngành hàng chủ lực hàng đầu, chỉ sau tôm. Mỗi vùng nuôi đã xây dựng nhãn hiệu riêng, trên mỗi con cua của các cơ sở kinh doanh đều đã gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Cua Cà Mau sống của Việt Nam đã xuất sang thị trường Trung Quốc , Mỹ, Nhật Bản nhưng sản lượng còn khá thấp. Tỉnh cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương tìm các đơn hàng xuất khẩu lớn.
(Tổng hợp)