Cơn bão giảm giá với Bitcoin chưa dừng lại khi từ mốc 48.000 USD vào sáng qua đến đầu giờ sáng nay (21/9) đã về ngưỡng 40.000 USD. Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng lao dốc mạnh khiến tổng vốn hóa thị trường mất mốc 2.000 tỷ USD.
Dữ liệu của CoinDesk vào 7h20' hôm nay (giờ Việt Nam) cho thấy, giá Bitcoin được giao dịch ở mức 40.294,1 USD, giảm 14,14% so với ngày hôm qua. Trong 24 giờ gần nhất, giá Bitcoin giao dịch thấp nhất ở mức 40,267 USD, cao nhất đạt 47.275,5 USD.
Còn theo số liệu của CoinGecko, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là hơn 43,3 tỷ USD, vốn hóa của thị trường Bitcoin vào sáng nay ghi nhận ở mức gần 780 tỷ USD.
Đà giảm sâu của Bitcoin đã khiến nhiều đồng tiền mã hóa quan trọng khác cũng lao dốc mạnh, thị trường tiền mã hóa rực sắc đỏ.
Trong đó, Ethereum giảm 11,49%, về mức giá 2.909 USD; Cardano giảm 7,97%, có giá 2,05 USD; Polkadot giảm 16,07%, về mức giá 27,58 USD; Stellar giảm 10,7%, có giá 0,274 USD; Dogecoin giảm 10,9%, có giá 0,230 USD; Polygon giảm 13,1%, có giá 1,12 USD; Litecoin giảm 9,83%, có giá 155,5 USD; Bitcoin Cash giảm 12,09%, về mức giá 525,8 USD;...
Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm thê thảm. Theo CoinGecko, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa vào sáng nay đã chính thức mất mốc 2.000 tỷ USD, ở mức 1.920 tỷ USD, giảm 13,3% so với ngày hôm qua.
Giá Bitcoin về ngưỡng 40.000 USD |
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đà lao dốc mạnh của thị trường tiền mã hóa là do thị trường chứng khoán toàn cầu giảm giá mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro lan rộng từ sự rung chuyển trên thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Thông tin Hàn Quốc sắp đóng cửa hàng chục sàn tiền số cũng ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa. Theo các quy định mới được ban hành của Hàn Quốc, các sàn giao dịch tiền số tại nước này sẽ phải đáp ứng điều kiện cần thiết trước ngày 24/9 tới nếu muốn được tiếp tục cấp phép hoạt động. Song sẽ chỉ có khoảng 1/3 trong số hơn 60 sàn tại Hàn Quốc có thể đáp ứng thời hạn chót trên. Việc này khiến cho các nhà đầu tư có thể mất tới 3.000 tỷ won (đương đương 2,6 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Bitcoin và thị trường tiền số đang đối mặt với nhiều áp lực khác bởi những lo ngại về các vấn đề môi trường hay rào cản từ vấn đề pháp lý tại các quốc gia và sự ngăn trở của các định chế tài chính truyền thống cũng như việc hạn chế hoạt động khai thác và giao dịch tiền số tại nhiều nước. Thị trường tiền mã hóa vẫn là một lĩnh vực rất rủi ro đối với các nhà đầu tư cá nhân vì tính không ổn định và nhiều quy định nghiêm ngặt.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại đà giảm giá của Bitcoin sẽ chưa dừng ở đây. Thậm chí, một số người lo sợ kịch bản năm 2017 của Bitcoin sẽ lặp lại.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lại cho rằng đây chỉ là một sự điều chỉnh tự nhiên sau khi giá Bitcoin đã liên tiếp tăng nóng.
Nhà phân tích Rekt Capital, đối tác quản lý tại Fairlead Strategies, nhận định, sự sụt giảm này của Bitcoin không cực đoan và đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới này có thể sớm tăng trở lại.
Anh Tuấn